Trồng nấm dễ hay khó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài, cốt lõi là bản thân của bạn phải luôn chịu khó trau đồi đủ kiến thức và các kỹ năng cần có trong nghề. Khi kiến thức kinh nghiệm đủ dồi dào, việc trồng nấm sẽ trở nên dễ dàng hơn…


Có lẽ khá nhiều người nghĩ rằng: “trồng nấm là nghề thật dễ dàng, vì nghề này có làm gì đâu, cứ mua phôi nấm về rồi để nó tự ra nấm thôi“. Nếu bạn cũng đang nghĩ như vậy thì đó là một sai lầm cực lớn của đa số người đấy nhé.

trồng nấm dễ hay khó

Khi bạn tự trồng nấm tại nhà chỉ với vài chục phôi nấm theo sở thích thì điều đó quả thật là đơn giản. Vì cách trồng nấm tại nhà vốn dễ dàng, bạn chỉ cần mua phôi nấm về và thậm chí để đó kệ nó, lâu lâu rắc xíu nước là phôi vẫn ra nấm để ăn nha.

Nhưng chắc rằng bạn chưa biết, nếu số lượng phôi đó gấp 10, gấp 100 hay thậm chí là 1000 lần số lượng ở trên thì nó thật sự sẽ lại là một câu chuyện khác xa đó nha. Vì lượng phôi nấm tăng thì độ khó cũng tăng theo, lúc này bạn còn phải luôn giám sát, tính toán và quản trị rủi ro của cả trại nấm đó.

Vậy thì trồng nấm dễ hay khó?

Đây là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm hay gọi hỏi Nấm Khỏe tư vấn, cũng không ít người tìm kiếm trên Google khi có ý định tìm hiểu trước khi thử thách với nghề này. Và bạn hiện đang là một trong những người đang tìm lời giải khi đọc bài viết này đúng không nè?

Theo góc nhìn và kinh nghiệm lâu năm của các anh em Nấm Xanh mình, thì nghề trồng nấm không dễ mà cũng không khó. Vì sao?

Dễ hay khó phụ thuộc còn vào rất nhiều thứ, cả bên trong lẫn bên ngoài. Nhưng yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất trong mọi việc, đó chính là yếu tố bản thân (bên trong) chúng ta. Tại sao nó quan trọng?

Vì đối với một người rành nghề hay có thâm niên lâu năm trong nghề, mọi thứ thật dễ với họ. Còn với một người mới, mọi thứ thật sự khó đấy chứ không đùa.

Bạn đang khởi đầu với con số 0, như 0 có sẵn nghề, 0 hiểu nghề, 0 kỹ năng, 0 kinh nghiệm, 0 đầu ra, 0 quan hệ, 0 kiến thức,… nên nghề nào cũng thế, khởi đầu luôn khó rồi theo thời gian trải nghiệm nó mới dễ được, làm gì có gì dễ ăn từ đầu đâu hen.

Bạn đã hiểu ra vấn đề ở đây rồi chứ? Đây thật sự là một câu hỏi khá mơ hồ, không giúp bạn giải quyết được gì cả.

Thay vì vậy, nếu bạn muốn bắt đầu vô nghề thì các bạn hãy ghi ra giấy, hỏi các câu hỏi thực tế và sát sao hơn sẽ giúp bạn tìm được lời giải phù hợp nhất, ví dụ như:

  • Trồng nấm cần chuẩn bị những kiến thức gì?
  • Học nghề trồng nấm ở đâu tốt?
  • Trồng nấm cần đầu tư bao nhiêu tiền?
  • Mới làm nên trồng bao nhiêu phôi?
  • Nhu cầu dùng nấm ở khu vực mình có cao không?
  • Trồng nấm ra mình có thể bán cho những ai? (đầu ra)
  • Trồng nấm có cần kiến thức tiếp thị và bán hàng không?
  • Trồng nấm có những rủi ro và lợi ích gì?
  • Mua phôi nấm ở đâu uy tín?
  • Giá phôi nấm có đắt không?

Như vậy, nó sẽ giúp bạn tìm ra nhiều phương án và lời giải cho những khúc mắt được tốt hơn. Nếu câu hỏi nào không giải quyết được, hãy tìm người có thâm niên trong nghề mà hỏi là tốt nhất, vừa có mục tiêu, vừa có mục đích, vừa nhanh chóng giải quyết vấn đề trong đầu.

Trồng nấm dễ hay khó phụ thuộc vào đâu?

Như đã đề cập ở trên, điều mà Nấm Khỏe muốn nói tới ở đây là 3 yếu tố quan trọng nhất bên trong chúng ta cần có, đó chính là kiến thức, kỹ năngkinh nghiệm nghề nghiệp của chính mình đó các bạn.

trồng nấm dễ hay khó

3 yếu tố này sẽ quyết định độ khó hoặc dễ của nghề trồng nấm này đối với bất cứ ai.

  • Kiến thức và kỹ năng là thứ bạn có thể học. Trước khi vô nghề, nhất định phải học hỏi và nghiên cứu trước kiến thức căn bản. Không chỉ là học nghề mà còn học để hiểu cái mà các bạn sẽ tạo ra (loại nấm), học từ thị trường (đối thủ,…). Sau đó, bạn lại có thể vừa làm vừa học liên tục để giỏi hơn.
  • Kinh nghiệm và trải nghiệm lại là thứ bạn nhiều cần thời gian để đúc kết. Lúc đầu bạn chưa thể có liền được thứ này đâu, nên để mở một trại trồng nấm, bạn cần phải đi học và thực hành ở một nông trại khác, hoặc tham khảo tại hợp tác xã trồng nấm để có trước kinh nghiệm và kiến thức thực tế từ người đi trước để lại.

Cụ thể hơn, các bạn đọc tiếp xuống dưới nữa Nấm Khỏe có giải thích thêm nhé.

Tới đây là coi như đã giải quyết xong câu hỏi mơ hồ ở tựa đề rồi hén. Trong bài viết này, Nấm Khỏe sẽ đi vào các vấn đề bạn cần quan tâm thực tế hơn.

Trồng nấm có rủi ro gì không?

Nghề nào cũng có rủi ro cả các bạn. Rủi ro có thể xảy ra do yếu tố bên trong hoặc do cả bên ngoài. Việc bạn có các yếu tố ở trên ở một mức độ nào đó tốt hơn thì bạn sẽ giảm được rủi ro phải gặp xuống.

  • Rủi ro bên trong là mầm bệnh từ phôi, người chăm sóc chưa kỹ, nguồn nước không đảm bảo, không cách ly phôi bệnh kịp thời,… dẫn đến nấm ra kém năng suất, chất lượng nấm tệ, hư phôi.
  • Rủi ro bên ngoài là phôi nhập vào không đảm bảo chất lượng (hấp khử trùng chưa kỹ, chưa đủ thời gian), trại để gió lùa vô, nắng chiếu vào, mưa tạt lên phôi, côn trùng làm ổ,… dẫn đến năng suất không đảm bảo dài hạn, nấm bị quéo bị xấu, ra nấm không đều và nhiều nguyên do khác.

Nếu bạn mới vô nghề, rủi ro này có thể chiếm khá cao, từ 60-90% chứ không hề ít, bởi bạn chưa có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm xử lý, kiểm soát và chăm sóc nấm.

Cái nghề này, dù các anh em Nấm Xanh đã gắn bó suốt mấy năm trời, có vô vàn thất bại lúc đầu như các bạn mới vô nghề, nhưng từ những bài học xương máu đó đã khiến mình ngày càng rộng mở và cải tiến tốt hơn.

Với những kiến thức, kinh nghiệm thực tế lâu năm đó và những thất bại đã dạy tụi mình giỏi lên, dần chúng mình cũng mới có được những thành quả ngoài mong đợi.

Các bạn biết đó, mọi thứ tất cả phải đánh đổi bằng sự kiên trì và nổ lực lắm, cái thời tụi mình làm có mấy ai làm video trên youtube hay facebook để chia sẻ tận tình và hỗ trợ hết mình như thời đại này đâu.

Bây giờ, các bạn chỉ cần theo dõi kênh Youtube Nấm Xanh hay 1 số bênh trồng nấm có chia sẻ như Truyện Nấm,… là đã học được nhiều điều cực bổ ích, giúp giảm rủi ro cực nhiều luôn.

Nhiều lúc làm sai, quên, khó hiểu, gặp vấn đề thì lại lên lục video coi lại, lại còn có chia sẻ cách tìm đầu ra nữa cơ, mà như mới có Nấm Xanh chia sẻ hoy hà.

Đến hiện tại, dù tự tin nhưng Nấm Khỏe nói thật, rủi ro vẫn còn, chưa thể kiểm soát tốt hết được 100%. Nhưng rủi ro lúc này rất thấp, chỉ còn dưới 5% mà thôi, thực tế có thể chỉ tầm 1-2%. Rủi ro mà thấp thì tỷ lệ ra nấm (thành công) sẽ cao hơn, lên tới 95-98%.

Đến đây có lẽ các bạn cũng hiểu hơn là nghề này dễ hay khó đúng hem. Mỗi trại nấm của tụi mình tối thiểu từ khoảng 100,000 (một trăm ngàn) phôi đến vài trăm ngàn lận, khác hẳn với trại bé có 5000 hay 10,000 phôi thôi. Nên việc kiểm soát cực gắt và khó hơn rất nhiều đó.

Trồng nấm đừng tin lời đồn và lời khuyên

Nghe hơi nghịch lý, thế sao tôi phải mất thời gian ngồi đọc ông Nấm Khỏe chia sẻ và cho lời khuyên, chắc bạn đang nghĩ thế đúng không? Kaka, cứ đọc tiếp sẽ hiểu nhé.

1. Lời đồn về trồng nấm kiếm bạc tỷ

Báo chí nhiều năm trước thường hay ca tụng, giật tít các kiểu con đà điểu về những tấm gương bạc tỷ từ nghề nấm mọc ra. Hay trồng nấm khó nhưng thu nhập cao,… chính vì nói thì hay mà không cụ thể hóa nên đã khiến nhiều người tưởng bở là miếng bánh ngon.

Nhiều nhà buôn, nhà nông có tiền xíu thì sẽ mua các mặt báo để làm thương hiệu với các tiêu đề đậm chất viral như trên để bán hàng cho tốt, giúp nhiều người biết đến mình hơn, khiến nó bị ca hóa lên quá nhiều lần.

Nhờ các bài báo tỷ phú triệu phú tự thân từ nghề trồng nấm như vậy mà khách hàng quan tâm đến 1 mà người muốn trồng nấm thì đến tới 10. Sau đó, hàng tá những hậu quả kèm theo chẳng ai ngờ, sự tin nghe theo vô tội vạ ấy không khiến ít người dở khóc dở cười.

Và cũng vì trên thật tế, rất nhiều người chỉ vì nghe cái nghề này thu bạc tỷ bởi các dòng giật tít trên báo mà đã ôm tất tiền trong nhà, vay mượn người thân trong nhà, vay thêm bên ngoài để mở trại nấm với giấc mộng đổi đời, làm giàu.

Một số người thì nghe lời từ những bên chuyên bán phôi rằng phôi chất lượng, dễ trồng, ra nấm khỏe nên phải mua nhiều mới lời to. Người bán phôi thì với mong bán nhiều phôi kiếm lời nhanh, người mua thì ham lời nên đã bị xúi dại ôm thật nhiều nỗi đau về mình.

Thế là kết quả thường không như mơ, đời một màu đen thui. Biết bao người đã bay vào như con thiêu thân tự sát ở bóng đèn. 6 tháng 1 năm toang hết, ai nấy lại về nghề cũ, nhưng tiền thì đã bay hết vài trăm triệu đến cả tỷ bạc.

Lúc này do mình dại chứ trách ai được nữa, mình thiếu kiến thức và tham thì phải chịu thôi, mình đã không chịu tìm hiểu kỹ. Bài học đó đã làm nhiều người nhớ đời.

2. Lời khuyên từ bạn bè về trồng nấm

Đâu chỉ riêng báo, đôi lúc bạn bè, người thân của bạn nghe từ bạn của họ, hay họ cũng đọc báo rồi họ chia sẻ với bạn, bảo “tao thấy dễ ăn lắm, làm đi biết đâu giàu“. Vậy nên, từ đó rất nhiều người đã nhảy vào, hùng hạp làm ăn, mong đổi đời.

Vì ai cũng nghĩ rằng sau vài tháng sẽ lời gấp mấy lần luôn chứ đùa, ai can ngăn là không nghe, mặc kệ, cơ nghiệp bạc tỷ mà. Và thế là bạn cũng biết rồi đó, lòng tham sao kiềm hãm được, quất thôi, dồn tiền vào quẩy nào.

Cứ 100 người vô hết 95 người ra đi sau nữa năm đến 1 năm mà không hề nghĩ, làm ăn mà dễ thì ai cũng giàu cả rồi. Còn lại 5 người thì 1 năm sau chắc cũng còn lại 1-2 người.

Thực tế là vậy nếu bạn làm theo kiểu cá nhân tự phát, không tìm hiểu. Làm nghề này cũng cần giao lưu, kết nối, người trồng người bán thì may ra nữa kìa, chứ trồng tốt thôi mà không biết bán cũng toang.

Sau này, khi bạn hỏi người ta về nghề trồng nấm cả bên ngoài lẫn trên internet, hẳn sẽ nghe được ít nhiều từ người đã dấn thân và đã toang chia sẻ về những lời khuyên bác ái vô cùng.

Đại loại như các câu “xưa tui làm rồi mà thất bại nên không làm nữa“, “đừng làm khó lắm“, “không dễ ăn đâu“, “tui nghe nhiều người bỏ cuộc lắm“,… và đó là kết quả bạn sẽ nghe đó, thật tế luôn, chính Nấm Khỏe thấy tận mắt.

Vậy nên bạn phải luôn tỉnh táo nhất có thể, tìm hiểu thật kỹ càng trước khi làm bất cứ điều gì, đừng nghe bố con ai cả. Bởi đó là lời đồn và lời khuyên bạn không nên nghe.

Xem tiếp bên dưới Nấm Khỏe chia sẻ thêm đầu ra nghen.

Trồng nấm cần chuẩn bị gì?

1. Chuẩn bị tâm lý trước khi trồng nấm

1.1 Tâm lý vững vàng để chịu cực chịu khó

Trước khi bước vô nghề trồng nấm, bạn cần chuẩn bị tâm lý chịu cực và chịu khó nhé. Vì mình làm nông mà, đâu có nhàn hạ hay ngồi máy lạnh rung đùi được.

Nếu bạn không thể chịu cực, xem như bạn có thể tạm biệt nghề trồng nấm ngay lúc này được rồi đó, vì thực tế cực lắm luôn.

trồng nấm dễ hay khó

Mỗi ngày, Nấm Khỏe và các anh em đều thay phiên nhau để lạng vài vòng mấy lần để kiểm tra từng khu, từng nhà nấm và nhà ủ phôi.

Dù có nhiều nhân viên nhưng tận mắt mình kiểm tra thêm sẽ luôn thấy an tâm hơn, vì phôi rất nhiều.

Có nhiều trại quá mà mình không thể đi hết thì phải ủy quyền giám sát và kiểm soát bằng camera, báo cáo đầy đủ để mọi việc trong tầm tay mình, hòng đảm bảo mọi thứ vận hành đúng quy trình, nấm được chăm sóc và kiểm tra đều đặn.

Việc luôn kiểm tra sẽ giúp tránh các phôi bệnh xuất hiện mà mình không hay biết để cách ly kịp thời, nó mà lây lan là vô cùng rủi ro, y như đại dịch.

1.2 Tâm lý thoải mái về tiền bạc

trồng nấm dễ hay khó

Bên cạnh chịu cực chịu khó thì bạn còn phải chuẩn bị tâm lý chưa có tiền liền đâu nha. Thứ 2 là việc đầu tư chi phí sẽ khá cao và việc hoàn vốn sẽ khá lâu đó nghen.

Một vụ nấm kết thúc thường sẽ mất tầm ít nhất 4 tháng, cho trại nghĩ 2 tuần tới 1 tháng để vệ sinh thông thoáng, khử trùng trước khi vào đợt mới.

Tính ra bạn chỉ làm được tối đa tầm 2 đến 2,5 vụ trong 1 năm mà thôi.

1.3 Tâm lý bán hàng

Cuối cùng, bạn sẽ cần phải nghĩ về cách tìm các nguồn đầu ra, làm sao để trồng nấm mà còn có đầu ra nữa thì mọi thứ mới ổn định, trồng mà không bán được thì tự ăn có mà chết.

Có tin vui cho bạn, nếu bạn ở trong miền Nam thì Nấm Xanh có thể hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho bạn, chỉ cần bạn trồng chuẩn, nấm đạt các tiêu chuẩn là được. Bạn có thể đỡ lo được 1 khâu, tuy nhiên hãy liên hệ Nấm Xanh trước.

Nấm Xanh cũng có chia sẻ trên Youtube các cách tìm các nguồn đầu ra cho các bạn đây. Gồm nhiều phần với các nhóm đầu ra khác nhau. Tuy nhiên tụi mình vẫn xin phép giữ lại 1 số bí quyết tuyệt mật, chỉ 15-20% thôi, còn lại các bạn sẽ biết được tới 85% lận.

Hãy theo dõi kênh của Nấm Xanh với nhiều kiến thức vô giá về nuôi trồng nấm được kỹ sư nuôi trồng Mr Lâm của Nấm Xanh chia sẻ nha, những kiến thức này sẽ giúp ích bạn rất nhiều trên con đường ôm giác mộng bạc tỷ đó, hihi.

Bạn cũng có thể tìm ở khung search Youtube “Nấm Xanh Farm” hoặc bấm nút bên dưới để đến kênh của tụi mình nghen.

Youtube Nấm Xanh

2. Chuẩn bị kiến thức trước khi trồng loại nấm đó

kỹ thuật trồng nấm bào ngư

Kiến thức vốn là thứ vô cùng quan trọng! Bạn sẽ không chỉ học cách trồng nấm hay cách chăm sóc nấm mà còn phải có kiến thức về loại nấm mà mình sẽ trồng, để hiểu nấm đó thích gì, kỵ gì mà còn né tránh để trồng nấm luôn suống sẻ, khỏe mạnh.

Nấm giống như những đứa trẻ vậy, nếu bạn không biết cách chăm cho đúng và không hiểu bản tính mỗi loại nấm hay sở thích của chúng thì bạn sẽ rất nhanh thôi, bạn sẽ ra đi sớm cái nông trại bé nhỏ của mình ý.

Giả dụ, bạn muốn trồng Nấm Bào Ngư, hãy tìm hiểu trước về chúng tại bài viết này: Nấm Bào Ngư là gì?

3. Chuẩn bị tiền để trồng nấm

Người ta hay nói: “Trồng nấm là cái nghề cũng phải có tiền mới làm được“.

Thật ra thì Nấm Khỏe nghĩ cũng đúng đó các bạn. Việc đầu tư vào một nông trại nấm cũng không hề rẻ, nếu bạn đã có sẵn đất thì coi như đã dễ dàng hơn được 1/3 đoạn đường rồi đấy.

kỹ thuật trồng nấm linh chi

Các chi phí còn lại bạn sẽ cần đầu tư sẽ gồm có:

  • Thiết kế, tính toán, thi công nhà trại (gồm cả dây treo, kệ phôi, che phủ,…)
  • Sắm và thiết đặt thiết bị, máy móc (hệ thống tưới, phun sương giảm nhiệt, đo nhiệt/độ ẩm…)
  • Phôi nấm

Sơ sơ cho mớ trên có thể cũng phải rơi vào tầm 200-300 triệu trở lên rồi, nên bạn phải dự phòng cao hơn nhé.

Nhưng bạn nên nhớ, tiền chỉ là 1 công cụ bổ trợ thôi, không phải có tiền sắm đủ là xong, bạn phải vừa làm vừa không ngừng học hỏi thêm như những gì đã được chia sẻ ở trên.

Các lão làng trong nghề trồng nấm nói gì?

Mấy người mà Nấm Khỏe biết, từng thỉnh giáo toàn các lão làng có thâm niên trong nghề trồng nấm này cũng trên 10-30 năm.

Họ từng kể, những năm đầu vào nghề họ kể có đôi khi cũng lay lất vô cùng, chả biết sẽ trụ được bao lâu, họ cũng từng chán nản lắm.

Thế nhưng với nỗ lực của bản thân, không chịu thua, luôn cố gắng và học hỏi cùng sự nhanh nhẹn trong khối óc, họ đã dần có những thành quả tốt hơn về sau. Thế nên việc bạn chuẩn bị tâm lý cực quan trọng.

Nấm Khỏe và các anh em Nấm Xanh thời gian đầu cũng tùng lay lất, và đã từng phải từng nhiều lần đi học 70-100 cây số tại các nơi gọi là nôi nghề trồng nấm để học trực tiếp và xem cách làm từ các lão đại có thâm niên trong nghề thì mới mong sáng suốt.

Vẫn câu nói ấy, nghề này không phải bạn cứ ném tiền ra mà thành công. Có tiền mà không biết cách làm vẫn toang. Nấm vốn còn là sản phẩm có tiêu hao, có hạn sử dụng ngắn, là thực phẩm tươi nên rất dễ hư hao khi không có kho lạnh.

Nấm Xanh mất bao lâu với nghề trồng nấm?

Bắt đầu từ năm 2016, với bao gian nan và vất vả, rất may chúng mình quy tụ được những anh em yêu nấm, đam mê với loại thực phẩm có giá trị cao và mang lại sức khỏe tốt cho người tiêu dùng.

Khởi đầu chỉ với 4 anh em, trải qua nhiều thăng trầm cùng ăn ngủ với nấm, làm không lương, làm ngày đêm nên đã ráng trụ được tới hôm nay với những thành quả dù chưa gọi là lớn lao gì cả nhưng cũng là một hành trình đáng giá.

trồng nấm dễ hay khó

May mắn thay là 4 anh em tụi mình từng vất vã cả tuổi trẻ để có được doanh nghiệp riêng và có sẵn các kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản trị nên họp mặt cùng nhau làm nên Nấm Xanh thì mọi việc suông sẽ hơn người nông dân bình thường chưa từng làm chủ.

Đối với một doanh nghiệp, để việc quản lý và tự chủ trong công việc tốt cũng là một kỹ năng cần rèn luyện.

Bên cạnh đó là không được lười biếng, siêng học hỏi và cải tạo kỹ năng liên tục, sáng tạo không điểm dừng và tìm kiếm cái mới để áp dụng, vận hành và thay đổi cái cũ lỗi thời.

Nhưng dù gì, bước vô một ngành nghề mới với tụi mình cũng là một thử thách lớn với kinh nghiệm là 0 và kỹ năng trồng trọt này kia cũng là 0. Xuất thân tụi mình đều là kinh doanh thời trang, vật liệu xây dựng, thầu công trình, rượu.

Tụi mình cũng phải học lại rất nhiều thứ bởi mảng nông nghiệp hoàn toàn khác mảng tụi mình đã dấn thân nhiều năm. Việc học sẽ giúp bạn cải thiện liên tục kỹ năng mới để áp dụng và hoàn thiện chính mình.

Không học khó thành công trong mọi nghề, đừng dựa vào hên xui, hãy dựa vào bản lĩnh và khả năng của chính mình bạn nhé.

Lời khuyên cho người mới trồng nấm

Với một người đang tìm hiểu về nghề trồng nấm, để đảm bảo tỷ lệ thành công cao hơn khi bắt đầu vào nghề thì trước đó bạn nên đi học và làm tận tay trước ở một nông trại nào đó họ có tuyển nhân công, làm 1-2 năm rồi hãy bắt đầu tự làm riêng.

Khi bắt đầu làm riêng cũng phải từ cái nhỏ rồi cái nhỏ có kết quả mở rộng một cách từ từ chậm rãi để nhằm kiểm soát rủi ro tốt nhất, có sẵn đầu ra, nguồn cung bình ổn nhất.

trồng nấm dễ hay khó

Điều quan trọng nhất trong sản xuất hay mọi nghề đó chính là sự kiểm soát.

  • Kiểm soát được rủi ro.
  • Kiểm soát được chất lượng.
  • Kiểm soát được đầu vào/ra.
  • Kiểm soát được quy trình.
  • Kiểm soát được dòng tiền.

Kiểm soát tốt mọi thứ thì mới thắng được mọi trận. Giống như biết địch biết ta trăm trận trăm thắng ấy.

Hầu như những người thất bại là người không kiểm soát được một trong các khâu trên, dẫn tới khi thất bại mà cũng không biết là do đâu. Vậy nên làm lại cũng lại mắc phải đúng cái lỗi cũ.

Nếu chỉ đơn thuần là nông dân, bạn đôi lúc chả cần nghĩ quá nhiều, nhưng mình khuyên thật, dù bạn có là nông dân hay một nhà kinh doanh mà bỏ qua các vấn đề về kiểm soát thì mọi thứ có thể tan biến rất nhanh lẹ.

Ai bảo nghề nông chỉ toàn làm tay chân đúng hem, bạn nhất định phải kết hợp cả khối óc nữa thì mới có thể tạo ra những thành quả lớn với kết quả tuyệt vời trên mong đợi.

Mà để có thành quả lớn thì rủi ro phải thấp, bạn phải kiểm soát được mọi chân bàn đang nâng đỡ bạn, nếu không bạn rất khó để làm giàu hay kiếm bạc tỷ như mấy ông nhà báo viết trên báo đài.

Nên trồng nấm loại nào khi mới bắt đầu?

Mới bắt đầu, Nấm Xanh cũng khởi đầu với 1 dòng nấm ăn và 1 dòng nấm dược, nên mình cũng đủ bản lĩnh chia sẻ ưu nhược cho các bạn ở mỗi dòng.

1. Nấm tươi – Nấm ăn

Bạn có thể khởi đầu với trồng Nấm Bào Ngư xám hay Nấm Rơm hoặc Nấm Sò Trắng,… bởi chúng thông dụng vô cùng.

kỹ thuật trồng nấm bào ngư

Sẽ có nhiều loại nấm cho bạn chọn, nhưng trước khi trồng, bạn cần dùng đến cái đầu một xíu với việc khảo sát địa hình nơi bạn.

Thật ra đó là nên định hình khu vực mình sẽ bán nấm trong tương lai, như:

  • Dân cư ở đó có đời sống cao hay thấp?
  • Họ hay dùng nấm gì?
  • Giá cả ngoài chợ ra sao?
  • Họ có hay ra chợ mua nấm không?
  • Có đối thủ nhiều hay ít?

Các khảo sát trên để căn cứ vào bạn còn biết mà trồng loại nấm phù hợp.

Chỉ cần vậy thôi chứ khảo sát nhiều quá lại thành làm Marketing, nhưng nếu được lại càng tốt, bạn sẽ có chiến lược cao tay hơn đối thủ.

Ban đầu khi bạn trồng nấm thì bạn cũng sẽ bán sỉ chủ yếu cho các chợ và bán lẻ cho người dân quanh vùng mình sống. Nên việc họ thường dùng nấm gì, thích nấm gì, thu nhập họ ra sao cũng là tiền đề chọn loại nấm trồng cho đúng nhất.

Với một khu dân cư thu nhập thấp, các loại nấm dưới 100,000đ/kg thì sẽ dễ đưa ra chợ và dễ tiêu thụ hơn, như:

  • Nấm Bào Ngư xám giá thị trường: 70,000đ-100,000đ/kg
  • Nấm Hoàng Kim giá thị trường 80,000đ-95,000đ/kg
  • Nấm Sò trắng giá thị trường 45,000đ-70,000đ/kg
  • Nấm Kim Châm giá thị trường 70,000đ-110,000đ/kg

Còn các loại nấm từ trên 15,000đ – 500,000đ thì thật sự vẫn có thể bán tốt với người nghiện nấm, mê nấm nhưng mức tiêu thụ khu vực thu nhập thấp có thể sẽ chậm, đơn cử như:

  • Nấm Mối Đen giá thị trường từ 400,000đ-550,000đ/kg
  • Nấm Hầu Thủ giá thị trường từ 350,000đ-550,000đ/kg
  • Nấm Hương giá thị trường từ 200,000đ-350,000đ/kg

Nấm Khỏe có thể khuyên bạn thử sức trước với việc trồng Nấm Bào Ngư xám hoặc Nấm Sò trắng. Đây là 2 loại nấm thông dụng nhất, dễ tiêu thụ, giá bán lẻ thấp nên người dùng rất nhiều, không hề kén chọn.

Nấm Bào Ngư xám này trồng cũng không mấy khó, nhiều nơi bán phôi nấm và meo nấm. Bạn có thể tìm thông tin nơi bán trên mạng ở gần bạn sinh sống.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài này: “Kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư đúng cách để đạt sản lượng tốt” đã được Nấm Xanh chuẩn bị.

2. Nấm dược liệu

Có một số người thường khởi đầu với nghề trồng nấm dược liệu, trong đó kể đến là các loại Nấm Linh Chi, Nấm Lim Xanh, Nấm Hồng Chi,… cũng có sản lượng khá tốt.

kỹ thuật trồng nấm linh chi

Tuy nhiên khi trồng nấm dược liệu lại có một số hạn chế như sau:

Bạn phải có sẵn nguồn đầu ra tốt. Bởi nấm dược liệu giá sẽ mắc hơn, khó bán hơn.

Bạn phải cần chuẩn bị trước các mối quan hệ có sẵn hệ thống phân phối để đưa hàng vào bán, nếu không sẽ khá khó khăn cho bạn bán lẻ, việc xoay vòng vốn sẽ chậm.

Giá của các loại nấm dược liệu ít nhất cũng hơn 1 triệu/kg đến vài triệu. Nên nó thường phù hợp những người có chút tiền trở lên, nhóm tuổi trên 30 hoặc hơn 40 mới có nhu cầu sử dụng nhiều.

Mức độ cạnh tranh thì tuy không cao hơn thị trường nấm tươi, nhưng nấm ăn lại có nhu cầu tiêu dùng là “ăn”, mà ăn thì phát sinh mỗi ngày, nên việc xoay vòng sản phẩm cũng sẽ nhanh.

Với nấm dược liệu thì xoay vòng sản phẩm sẽ lâu (1-3 tháng), khó bán hơn nên cần chuẩn bị kỹ khâu bán hàng và phân phối để nguồn hàng đi được trôi chảy. Vì nấm được liệu sẽ cạnh tranh trực tiếp với các loại dược liệu khác.

Mỗi lần bạn thu được cả trăm ký mà không phân phối hết nhanh sẽ tồn hàng cực nhiều, dù hạn sử dụng có thể là 1-2 năm. Việc tồn lâu sẽ khiến nguồn vốn của bạn bị giam lâu, khó trồng những đợt mới nếu vốn ít.

Nếu bạn chuẩn bị tốt đầu ra thì việc trồng nấm dược liệu sẽ cực kỳ thuận lợi. Chốt lại vẫn chỉ là lo đầu ra thì không còn mấy phần đáng lo.

Các khâu chuẩn bị trước và trong khi nuôi trồng nấm dược liệu cũng như nấm tươi, chỉ khác nhau một chút.

Các bạn có thể tham khảo thêm bài này: Chia sẻ kỹ thuật trồng Nấm Linh Chi đỏ và quy trình thu hoạch đã được Nấm Xanh chuẩn bị.

Những loại giấy tờ cần thiết phải có

Nếu bạn muốn làm lớn, thì sau vài đợt trồng đầu tiên có kết quả, bạn nên chủ động đăng ký các loại giấy tờ liên quan để thuận tiện cho tương lai phát triển tốt hơn.

Các loại giấy tờ giúp bạn chiếm lòng tin với khách hàng tốt hơn cũng như đưa hàng vào các hệ thống siêu thị được thuận lợi hơn đấy nhé.

1. Giấy tờ thiết yếu cần có

1.1 Giấy Đăng Ký Kinh Doanh (ĐKKD)

Tùy năng lực phát triển mà bạn có thể chọn loại hình kinh doanh phù hợp để đăng ký loại công ty theo quy mô.

Tuy nhiên, nếu bạn mới ra làm, lo ngại doanh thu thấp mà còn thuế má này kia thì chỉ nên đăng ký giấy phép hộ kinh doanh thôi nhé, mục đích để tiết kiệm chi phí thời gian đầu hoạt động. Tương lai tùy bạn thích công ty thì cứ đăng ký lên theo ý thích.

1.2 Giấy chứng nhận Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm (ATTP)

Loại giấy chứng nhận vệ sinh ATTP này bạn phải có giấy đăng ký kinh doanh trước thì mới làm được nhé, cực cần thiết. Bởi bạn đi mua hàng mà bên nào có giấy này hẳn bạn phải ưu tiên hơn đúng hem.

1.3 Giấy đăng ký tiêu chuẩn VietGAP

Là giấy chứng nhận nuôi trồng đảm bảo theo các tiêu chuẩn của VietGAP đề ra. Đơn cử như các hạng mục cần đạt: “nguyên liệu nuôi trồng sạch chuẩn, nguồn nước đảm bảo, sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn,…“.

2. Giấy tờ trọng yếu chỉ khi cần mới làm

2.1 Giấy kiểm nghiệm hàm lượng chất (Eurofins)

Đây là một loại giấy không quá quan trọng lúc ban đầu hành nghề, nhưng nếu bạn cần nhập nấm vào một số công ty lớn, siêu thị hay các công ty nước ngoài hoặc vốn đầu tư nước ngoài thì họ sẽ yêu cầu khá nghiêm ngặt, đơn cử như công ty Nhật hay bán trên các sàn TMĐT như Tiki.

Trong giấy này, đơn vị kiểm nghiệm độc lập sẽ kê và đo các loại chất có trong nấm để đảm bảo hàm lượng chất của các chất là an toàn, không vượt quá giới hạn cho phép và để xem mình có dùng hóa chất các loại như kích thích tăng trưởng và thuốc trừ sâu gì hay không?

Cơ quan kiểm nghiệm chất này sẽ độc lập với các cơ quan xác nhận của nhà nước, bạn phải thực hiện kiểm nghiệm chất ở cơ quan kiểm nghiệm trước khi tới cơ quan xác nhận nhé. Nên đây là loại giấy khá khó làm, hơi tốn kém về mặt chi phí và mỗi sản phẩm là riêng 1 giấy.

Chi phí kiểm nghiệm mỗi chất rơi vào 300,000 VNĐ đến cả triệu mỗi chất. Mỗi một sản phẩm sẽ cần kiểm nghiệm khoảng 5 đến hơn 20 chất khác nhau, vị chi là vài triệu đến vài chục triệu mỗi sản phẩm. Giấy này có giá trị sử dụng trong vòng 6 tháng.

2.1 Giấy tự công bố sản phẩm

Đây là loại giấy bạn sẽ làm cuối cùng và mỗi sản phẩm cũng là riêng 1 giấy.

Và để có được giấy công bố này thì bạn cũng phải thông qua tờ giấy kiểm nghiệm phía trên. Nên bạn hãy ưu tiên làm giấy kiểm nghiệm trước cho các sản phẩm chủ lực để tự công bố sản phẩm.

Khi bạn làm lớn dần độ chừng 2-3 năm thì đây là loại giấy cuối cùng cần có để đủ các điều kiện thông hành trong nước. Nếu bạn tự tin về chất lượng, có kinh phí thì có thể làm sớm hơn để thuận lợi bán hàng.

2.3 Chứng nhận FDA để xuất khẩu

Đây là loại giấy chỉ thật sự cần thiết khi bạn có ý định sẽ đưa sản phẩm ra nước ngoài, xuất khẩu sang các quốc gia khác. Tuy nhiên nó sẽ khó làm với nấm tươi vì mức độ bảo quản khá hạn chế, phải chuyển thể sản phẩm để xuất khẩu.

Chứng nhận FDA bạn có thể chỉ nên làm với các loại thực phẩm có thể bảo quản lâu như nấm đóng hộp, nấm đã chế biến, có hạn sử dụng trên vài tháng thì sẽ hợp lý hơn nhé.

3. Tại sao bạn nên có đầy đủ giấy tờ

Chứng nhận VSATTP Nông Trại Nấm Xanh LA

Vì những loại giấy tờ này chính là:

  • Chứng nhận đảm bảo giữa bạn với nhà nước, tính hợp pháp.
  • Tín chỉ thông hành giữa bạn và đối tác, tính minh bạch.
  • Chứng chỉ tin cậy giữa bạn và khách hàng, tính đảm bảo.

Có tín chỉ này sẽ dễ dàng cho mọi thương vụ giao dịch của bạn, cũng như uy tín của nông trại bạn sẽ cao hơn trong mắt cả 3 vị nhà nước, đối tác và khách hàng.

Nhiều người nhìn vào bảo “ôi ba cái giấy này tụi nó mua cái 1 ấy mà, làm gì có đảm bảo, tín chỉ hợp lệ“.

Kệ họ, bạn vẫn nên làm. Vì miệng thì nói chứ khi đi mua hàng thì họ cũng sẽ lựa bên nào có giấy mà mua thôi, chứ ai dám mua của bên không có gì đảm bảo đúng hem.

Giấy tờ là điểm đo các tiêu chuẩn của bạn được chứng nhận và xác nhận bởi nhà nước và cơ quan có thẩm quyền chứ không phải giấy khống mua cho có.

Nên khi ai đó nói gì nói, bạn chỉ cần bảo họ lấy số hồ sơ này ra cơ quan thẩm quyền cấp chứng nhận là biết hoặc lên trang website của chính phủ về ngành đó tra số là ra thôi (nếu có).

Nếu bạn dám làm giấy tờ là bạn đã hơn những người khác không dám làm, tư duy kinh doanh của bạn cũng hơn họ gấp đôi.

Như Nấm Khỏe đã nói ở trên, việc có giấy tờ này sẽ giúp bạn thuận tiện đi vào các hệ thống kinh doanh lớn như siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử, siêu thị tiện lợi,… sẽ được giá tốt, nguồn hàng ổn hơn nhiều.

Còn ai không có ráng chịu, chỉ biết tuồng hàng ra chợ rồi bị chèn ép giá,… giá lúc thấp lúc cao vô cùng mệt mõi. Các anh em Nấm Xanh đã từng làm thị trường chợ cả năm nên rất hiểu.

100 người làm nông, 1 người dám làm là đã hơn 99 người. Tuy nhiên, thật tế cũng vậy đó các bạn, không phải suông đâu.

Khách hàng hoặc đối tác của bạn chỉ nhìn giấy tờ để nói chuyện và mua hàng của bạn, vậy nên tiếc rẻ gì mà không đem đến sự an tâm cho đối tác và khách hàng của bạn đúng không?

Có nên vừa trồng nấm vừa làm phôi?

Vấn đề này có rất nhiều người hỏi và Nấm Khỏe đã có chia sẻ ở bài viết khác, nhưng mình sẽ chia sẻ tóm tắt lại ý chính cho các bạn tham khảo tại đây.

trồng nấm dễ hay khó

Chỉ khi bạn sở hữu một nông trại lớn, đủ diện tích để phân thành 2 khu riêng biệt, bạn cũng có kỹ năng chuyên môn cao trong cả trồng nấm và làm phôi cũng như nguồn lực , nhân sự đảm bảo thì nên làm nhé.

Còn bạn mới bắt đầu thì nhất định không nên, vì 2 nguyên do sau.

1. Nguồn nguyên liệu

Nguồn nguyên liệu thô của phôi nấm khi chưa xử lý có mang mầm bệnh và nhiều loại vi khuẩn. Nguyên liệu phải trải qua quá trình hấp thanh trùng khoảng 120 độ C trong suốt 10-12 tiếng để xử lý phôi trước thì mới ra lò được.

Nên nếu bạn để nhà trồng nấm gần lò làm phôi thì sẽ không có gì đảm bảo và sẽ có thể ảnh hưởng mầm bệnh đến trại nuôi trồng nấm ở gần đó.

2. Con người

Bạn bị phân tán chuyên môn và nguồn lực trong khi kỹ năng và kinh nghiệm cả nuôi trồng với làm phôi đều chưa rành rỏi.

Nhiều người chưa cái nào ổn nhưng lại muốn kham nhiều thứ, cũng vì muốn tự làm phôi cho tiết kiệm chi phí, tuy nhiên bạn sẽ chỉ đổi lấy rủi ro cao thôi.

Hãy nên để việc làm phôi cho một bên thứ ba chuyên việc đó, bạn chỉ việc nhập phôi nấm về để nuôi trồng sẽ giảm chi phí đầu tư máy móc lúc đầu khá nhiều, nó còn giúp bạn tập trung vào cải thiện kỹ năng và kinh nghiệm trồng nấm được tốt nhất.

Bạn nên tham khảo thêm về bài viết này: Kinh nghiệm chọn phôi nấm tốt giúp người mới vô nghề tiết kiệm tiền bạc sẽ giúp ích bạn nhiều hơn.

Kết luận và đúc kết về việc trồng nấm

Việc tham gia vào nghề này bạn cần đi học trực tiếp và làm tận tay trước để có kỹ năng và kinh nghiệm cũng như am hiểu nấm nhiều hơn trước khi làm thực tế.

Khi bắt đầu nên làm với số lượng nhỏ để dễ kiểm soát và khi đã làm hiệu quả rồi mới nâng sản lượng lên từ từ. Làm gì cũng được, miễn kiểm soát tốt và hiệu quả thì mọi việc sẽ trôi chảy bạn nhé.

Chọn loại nấm để trồng cũng khá quan trọng, và thường sẽ phân phối trong khu vực trước, nên bạn phải tìm hiểu, phân tích nhu cầu khách hàng, phân khúc thị trường và khách hàng, các nguồn phân phối chung quanh trước khi quyết định làm loại nấm nào đầu tiên.

Kiến thức là thứ không được thiếu, phải luôn học hỏi và trau dồi liên tục để cải thiện công việc trồng nấm và sản xuất, kinh doanh nấm được tốt hơn.

Hi vọng qua bài viết này, Nấm Khỏe giúp bạn có cái nhìn sáng suốt hơn trước khi bước vô nghề hay lựa chọn nghề trồng nấm. Giúp bạn hiểu trồng nấm dễ hay khó, bởi mọi cuộc chơi đều có cái giá của nó.

Nếu bạn có vấn đề thắc mắc cần liên hệ, có thể comment xuống dưới bài viết này hoặc qua các kênh mạng xã hội:

4.8/5 - (5 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo về
guest
Nguyễn Văn A

16 Bình luận
Phản hồi tròng dòng
Xem tất cả bình luận
Hy An
Hy An
Độc giả

Cảm ơn tg. Bài viết của b rất bổ ích.

Bảo Ngọc
Bảo Ngọc
Độc giả

Bài viết cực hữu ích, cảm ơn Nấm Xanh nhiều