Kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư của Nấm Xanh là những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy nhiều năm, để chia sẻ và giúp cho những người mới vào nghề hoặc đang tìm hiểu có thêm một cẩm nang nuôi trồng nấm hiệu quả hơn, giảm rủi ro thất thu…


Trước khi vào phần kỹ thuật, nếu bạn là người mới hoàn toàn thì chúng ta hãy cùng đọc từ đầu để tìm hiểu một chút về những thông tin căn bản bao gồm định hướng nhé!

kỹ thuật trồng nấm bào ngư
Kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư tại nông trại Nấm Xanh

Vì bài viết này sẽ khá dài, nên bạn có thể bỏ qua phần định hướng và bấm chuyển đến phần bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư nếu muốn rút ngắn thời gian đọc vô trọng tâm.

Kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư dễ hay khó?

Trồng nấm các loại nói chung hay trồng Nấm Bào Ngư nói riêng có lẽ vẫn là một nghề sáng giá hiện nay và còn được nhiều người tìm hiểu với mong muốn thử sức. Nếu bạn cũng từng nghe nói: “Trồng nấm lời lắm, thu về cả trăm triệu mỗi vụ hay cả tỷ mỗi năm,…” thì khoan vội tin quá.

Khi bạn đích thân được nghe những câu chuyện thực tế từ những người trong nghề lâu năm kể lại thì nó sẽ khác khá nhiều.

Nếu bạn chưa bắt đầu, hãy nghiền ngẫm kỹ nhiều tài liệu sách vở hoặc video youtube và đi làm thử ở một số nông trại nấm để trải nghiệm thực tế, lấy kinh nghiệm. Bạn phải chuẩn bị tâm lý rằng nghề NÔNG rất cực, thành quả phải đánh đổi qua thời gian và nỗ lực hơn người.

Có thể bài viết này sẽ cần để giúp bạn lựa chọn và đưa ra quyết định, xem ngay: Trồng nấm dễ hay khó? Tâm sự nghề nấm khai sáng cho người mới.

Ai nên tìm hiểu kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư?

trồng nấm bào ngư dễ hay khó, cách thu hoạch nấm bào ngư thế nào

Bài này phù hợp với ai đang tìm hiểu về nghề nuôi trồng nấm nói chung và kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư nói riêng để chuẩn bị tâm lý và kiến thức trước khi làm.

Hoặc những người đã làm một thời gian nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót về kiến thức, thiếu kinh nghiệm, sản lượng và chất lượng chưa như ý nên cần cải thiện thêm.

Những kỹ thuật này có giúp bạn thành công ngay?

KHÔNG! Kiến thức và kinh nghiệm là của Nấm Xanh, nó chỉ giúp bạn lựa chọn đúng hơn, giảm thiểu rủi ro hơn và nâng tỷ suất thành công qua các mùa vụ nuôi trồng đầu tiên.

Bạn vẫn cần phải trải nghiệm thêm một thời gian để kiến thức và kinh nghiệm ấy là của bạn và tạo ra kết quả của bạn.

Trồng Nấm Bào Ngư bao lâu có thành quả?

Nói thật, từ 2016 Nấm Xanh cũng phải học hỏi và trải nghiệm suốt 2-3 năm đầu sấp mặt với rất nhiều lý do đến từ bản thân, như thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm non nớt, chưa hiểu nhiều về nấmnguồn phôi nấm không đạt chất lượng,… nhưng cả mình cũng không biết.

Nguyễn Anh Võ - CEO Nấm Xanh chuyên trồng Nấm Bào Ngư

Nên phải có thất bại mới có thành công, dù chưa là gì lớn lao nhưng hiện tại chúng mình đã tự tin hơn rất nhiều về kỹ thuật và kinh nghiệm trên 5 năm. Mọi thứ thật sự đã trở nên đơn giản nhiều khi tụi mình luôn học hỏi không ngừng, luôn thử nghiệm và rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại.

Hiện Nấm Xanh đang cung cấp cho nhiều chuỗi nhà hàng, quán ăn, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… và chúng mình mong muốn chia sẻ lại câu chuyện và kinh nghiệm của mình để giúp cho các bạn mới vô nghề có được định hướng rõ ngay từ đầu là NÊN hay KHÔNG NÊN làm, đã làm phải tâm lý ra sao.

Hôm hay, Nấm Khỏe sẽ chia sẻ kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư đúng cách từ những kinh nghiệm đúc kết thật tế của tụi mình tại nông trại Nấm Xanh nhiều năm qua cho bạn.

Bạn có thể theo dõi kênh Youtube của Nấm Xanh để xem video chia sẻ về kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư của team Founder Nấm Xanh chia sẻ lại. Dù có nhiều thay đổi nhưng cốt lõi không thay đổi. Bạn có thể kết hợp đọc và xem video.

Youtube Nấm Xanh

Câu chuyện trồng nấm bạc tỷ có thật không?

kỹ thuật trồng nấm bào ngư

Như trên, nếu bạn có nghe nhiều người bảo rằng: “Trồng nấm dễ lắm hay lời lắm, cứ làm đi…” thì khoan đã, làm gì có cái gì dễ ăn và thành công thật sự đều cả quá trình trả giá. Những câu chuyện thực tế luôn khác nhiều với những gì truyền thông nói lại. Đến khi bạn dấn thân vào con đường này, nó sẽ càng là một câu chuyện khác xa hoàn toàn.

Chỉ có người trong nghề lâu năm mới hiểu độ khó của nó và làm sao để ra được thành quả. Để giúp cho những người mới vào nghề một phần nào đó rút ngắn được con đường này và đạt thành quả tốt hơn, có được thu nhập từ đứa con tinh thần ở những mùa vụ đầu nên Nấm Xanh sẽ chia sẻ với các bạn những kỹ thuật và kinh nghiệm chuẩn nhất.

Tất nhiên mọi thứ sẽ còn phụ thuộc nhiều thứ như điều kiện, môi trường, khí hậu khu vực và cách áp dụng, bạn cũng đọc để tham khảo và đúc kết cho mình kiến thức, sau đó thực hành áp dụng thử và thay đổi theo điều kiện của mình nhé!

Giờ chúng ta bắt đầu vô kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư thôi!

Điều kiện cần khi trồng Nấm Bào Ngư

1. Trồng Nấm Bào Ngư thì phải hiểu chúng

Trước khi bắt tay vào trồng nấm, hãy đảm bảo bạn hiểu đứa con tinh thần của mình. Hầu hết mọi người đều bỏ qua khâu nghiên cứu sản phẩm mà chỉ mãi nghiên cứu kỹ thuật. Nếu bạn không trang bị kiến thức về loại nấm mình trồng, bạn không thể hiểu được sở thích của nấm.

Nấm Khỏe thường hay chia sẻ, trồng nấm như việc chăm trẻ con vậy, bạn phải hiểu chúng để biết chúng muốn gì, ưa gì mà đáp ứng và chúng không muốn, kỵ gì để tránh sẽ giúp bạn giảm thiểu được các thiệt hại không đáng.

kỹ thuật trồng nấm bào ngư

Việc tìm hiểu đó thể hiện bạn là người có tâm. Vì bạn chưa biết đó, chỉ cần một ít phôi nấm trong giàn bị bệnh, suy yếu thì chúng sẽ lây lan và ảnh hưởng đến tất cả, hậu quả là rất nhiều người mất trắng mùa, nếu bạn không muốn điều đó xảy ra thì nên tìm hiểu kỹ.

Vậy nên, nếu bạn dự định trồng Nấm Bào Ngư thì bạn phải tìm hiểu xem Nấm Bào Ngư là gì trước đã nhé! Nếu đã biết rồi thì mình tới phần kỹ thuật thôi. Nếu bạn trồng loại nấm khác, hãy xem danh mục tổng hợp bên dưới.

Danh mục Hiểu về nấm

2. Phôi nấm và Meo nấm

Phôi Nấm Bào Ngư Xám - Nấm Xanh

Điều kiện cần của cây là: hạt giống, phân bón, đất, nước, ánh nắng thì nấm cũng vậy, gồm: meo nấm, phôi nấm, nước tưới, nhiệt độ và độ ẩm chuẩn.

Để có thành phẩm là những bé Nấm Bào Ngư hoàn thiện thì cần phải có phôi nấm làm môi trường sống và chứa dinh dưỡng cơ chất làm điều kiện phát triển cho meo nấm chạy tơ (như rễ cây) đi khắp phôi nấm. Khi tơ ăn trắng phôi nấm, chúng sẽ ra nấm.

Nấm Khỏe đã chuẩn bị riêng trước một bài về phôi nấm và meo nấm cho bạn tìm hiểu kỹ hơn, bạn có thể xem sau hoặc đến xem trước khi quay lại đọc bài này.

Xem thêm: Giảm rủi ro với kinh nghiệm nhận biết phôi nấm và meo nấm chất lượng

3. Thiết kế nhà trại nuôi trồng nấm

Nhà trại đặt phôi nấm hết sức quan trọng, thiết kế phải đảm bảo thoáng nhưng ít hoặc không để bị gió lùa và tránh ánh nắng rọi vô. Giàn sắt chịu lực phải đảm bảo chắc chắn và an toàn nếu sử dụng giàn treo, nếu dùng kệ phôi thì giàn sắt thường là được.

Hệ thống tưới nước gồm cả phun sương và tưới tay. Bố trí giàn treo hay kệ đựng phôi hợp lý để nấm có không gian thở và người đi chăm sóc, thu hái, tưới tiêu cũng dễ dàng hơn, vậy thì năng suất sẽ cao, thu hoạch nhanh, vệ sinh phôi nấm tiện.

Có 2 loại thiết kế nhà trại mà Nấm Xanh đang sử dụng:

  • Loại 1: Nhà lợp mái tôn và lá dừa.
  • Loại 2: Nhà lợp mái bằng 3 lớp với 2 lớp lưới lan và 1 lớp nilong Israel cao cấp.
thiết kế nhà trồng nấm bào ngư xám

2 nhà trại này đều dùng vách 3 lớp như nhau (như mái nhà loại 2). Trại dùng lá dừa sẽ cho nhiệt độ mát hơn, thấp hơn từ 2-4 độ và thoáng hơn so với trại dùng cả mái và vách 3 lớp. Mỗi loại đều có một ưu và nhược riêng nhưng đều hiệu quả.

4. Thiết kế kệ/dàn treo để phôi nấm

Trong nhà trại thì Nấm Xanh cũng có áp dụng mỗi loại nhà theo hình thức để phôi như:

  • Giàn dây treo phôi (thiểu số).
  • Kệ 3 tầng đặt phôi (đa số).

Cũng tương tự vậy, mỗi loại thiết kế có ưu và nhược riêng, nhưng đa phần người trồng đều dùng giàn treo theo kiểu truyền thống. Tùy sở thích của bạn mà thiết kế.

Nếu dùng giàn treo, đòi hỏi thiết kế trại phải chuẩn và nguyên liệu như sắt để làm trại với các thanh ngang phải tốt và tính toán rất kỹ, bởi sắt xịn loại tốt thì mới có thể chịu nỗi lực của lượng phôi lớn treo bên dưới vì lực chịu phải lên hàng “tấn”.

VD: 1 cục phôi 1.2-1.4kg * 1000 cục = 1200-1400kg rồi.

5. Quy trình vệ sinh nhà trại

Trước khi đưa đợt phôi nấm mới vào nhà trại, bạn phải tiến hành xịt khuẩn cho thoáng trại, cách vài ngày xịt 1 lần với nước vôi theo tỷ lệ 0.5% đến 1% để làm cho trại sạch sẽ, thoáng và không có bụi khuẩn. Làm cách ngày và làm trong vòng 1-2 tuần rồi mới đưa phôi nấm mới về là hợp lý.

Việc này để đảm bảo rằng khi đưa đợt phôi nấm mới về trại thì phôi nấm sẽ khỏe khoắn, không bị đe dọa bởi các vi khuẩn ẩm mốc tồn tại trong không trung, vách và lưới. Bạn cũng có thể trồng xen canh chứ không nên trồng 1 loại trong suốt thời gian đó.

kỹ thuật trồng nấm bào ngư

Sau khi xong hết một đợt nấm, bạn cũng phải dọn hết phôi thải ra khỏi trại và cũng tiến hành vệ sinh khử trùng trại. Để trống nhà trại đó trong vòng 3 tuần đến 1 tháng để đảm bảo trại được sạch sẽ nhất.

Vì trong thời gian các phôi nấm sinh trưởng, đây cũng là nguồn thức ăn của vi khuẩn và sâu bệnh, bởi môi trưởng này độ ẩm cao và nhiệt độ thấp, không nên đưa liền phôi mới vào sẽ gây thiệt hại nặng nề, không tốt.

Ủ phôi chuẩn giúp bền sản lượng

Nếu điều kiện cần là các yếu tố ngoại cảnh mà bạn có thể chuẩn bị thì điều kiện đủ là các yếu tố đáp ứng như kinh nghiệm am hiểu và kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư. Vì phôi tốt, giống khỏe mà thiếu đi kỹ năng với kinh nghiệm thì cũng như cái bàn mới có 2 chân.

Kiến thức và kỹ năng thì bạn có thể học, còn kinh nghiệm thì ban đầu là học hỏi lại kinh nghiệm từ những người đi trước như việc Nấm Xanh đang chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư cho bạn.

1. Giai đoạn ủ phôi tính từ lúc nào?

kỹ thuật làm phôi trồng nấm bào ngư
Hình dáng phôi Nấm Bào Ngư và đã ra nấm

Khi bắt đầu cấy meo giống vào phôi nấm, lúc này sẽ bắt đầu tính giai đoạn sống (tuổi thọ) của phôi nấm là ngày thứ nhất, sau đó sẽ bao gồm quá trình: “ủ phôi, rút bông, tưới, đóng nắp, thu hoạch, vệ sinh” và lặp lại cho tới khi thành phôi thải, không còn ra sản lượng nữa.

Thông thường, mỗi nơi sẽ có kinh nghiệm và cách chăm khác nhau, một số giống nhau do truyền nghề, nên bạn có thể thử nghiệm tùy ý cách mỗi người. Dưới đây là kinh nghiệm của Nấm Xanh chia sẻ lại cho bạn.

2. Tầm quan trọng của việc ủ phôi nấm

Phôi Nấm Bào Ngư Xám - Nấm Xanh
Tơ nấm đã ăn được 80% trong bịch phôi nấm

Đầu tiên, bạn phải hiểu là quá trình ủ phôi rất quan trọng, vì khi cấy meo nấm vào chúng sẽ bắt đầu sự phát triển trong phôi bằng cách dùng nguồn dinh dưỡng trong phôi, kéo tơ ăn trắng khắp cục phôi nấm để phát triển khỏe mạnh.

Chúng giống như rễ của cây vậy, rễ càng phát triển khỏe mạnh, cắm sâu vào đất thì cây càng khỏe, càng vững và phát triển nhanh hơn.

Giống với câu chuyện về “cây tre” phải mất đến mấy năm chỉ để phát triển bộ rễ khỏe mạnh bên dưới, còn bên trên lớn rất chậm. Nhưng đến khi rễ đủ mạnh thì chúng sẽ vươn lên rất nhanh, cao và vững chắc. Phong ba bão táp cũng không thể làm chúng ngã.

Như vậy, bạn có thể hình dung được là giai đoạn tơ ăn trong phôi rất quan trọng, tơ ủ lâu một chút sẽ giúp tơ khỏe, nấm ra sẽ mạnh mẽ.

3. Thời gian ủ phôi nấm bao lâu?

Giai đoạn ủ phôi này tốt nhất là 70-75 ngày theo Nấm Xanh. Trong đó là 30 ngày để tại lò ủ sau khi cấy meo, rồi sau mới chuyển vào nhà trại nấm để đặt lên kệ phôi/giàn treo để thêm 40-45 ngày, tổng là 70-75 ngày để tơ già đi, khỏe nhất.

Lúc trước ở Nấm Xanh chỉ để hơn 50 ngày, với thời gian ít ỏi như vậy thì chúng như những đứa trẻ mới lớn, chưa đủ trưởng thành.

Tuổi này rất sung mãn, háo thắng nên chúng ra nấm rất sung ở những đợt đầu tiên, nhưng về chạy bền thì thua, sản lượng ra những đợt sau không mạnh mẽ và tốt như các đợt đầu nữa, vì tơ chưa đủ già và khỏe. Vậy nên đó là lý do cần đến khoảng 75 ngày.

Và bạn thấy đó, đây là một trong những kinh nghiệm phải đúc kết chứ không riêng kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư, những điều này cực kỳ quan trọng để quyết định sản lượng ra nấm ở phôi dai và bền đến thế nào.

4. Những lưu ý khi ủ phôi

Trong giai đoạn ủ phôi này, tuyệt đối lưu ý rằng:

  • Không được tưới nước lên phôi.
  • Chỉ cần giữ môi trường trong trại thoáng mát, dễ chịu, đảm bảo dưới 30 độ C.
  • Tránh ánh nắng trực tiếp và mưa tạt vào bịch phôi.

Nếu thời tiết bên ngoài quá nóng vào mùa hè, nhiệt độ trong nhà trại tăng cao, cách tránh cho bịch phôi bị đổ mồ hôi (chảy nước vàng ra) thì bạn có thể hạ nhiệt bằng cách:

  • Tưới thêm nước dưới nền, giản cách tưới vài lần trong ngày.
  • Kết hợp tưới nước cho mái (đứng bên ngoài) và tưới lên vách (đứng bên trong).

Quá trình rút bông khỏi cổ phôi nấm

Sau giai đoạn ủ phôi bên trên là 70-75 ngày (tính từ lúc cấy meo giống) thì ta mới bắt đầu rút bông ở cổ phôi ra. Tuy nhiên, trước khi rút bông thì bạn có thể tưới sơ qua khoảng 2 phút để cho bông mềm, dễ rút và rửa sạch bụi bẩn bám trên bịch phôi.

kỹ thuật trồng nấm bào ngư
Rút bông từ cổ phôi ra khi tới đủ giai đoạn

Sau khi đã rút bông xong hết, cần vệ sinh cổ phôi để loại bỏ tơ chết, làm cho cổ phôi sạch sẽ để tạo điều kiện thoáng hơn cho tơ nấm sống tiếp tục quá trình phát triển mạnh mẽ.

Quá trình đóng nắp phôi nấm

Sau khi rút bông và vệ sinh cổ phôi xong rồi, ở đợt đầu tiên là sẽ đóng nắp luôn từ 10-15 ngày. Để chúng lại tiếp tục phát triển tơ (bộ rễ của mình) khỏe mạnh hơn.

kỹ thuật trồng nấm bào ngư
Thời điểm đóng nắp cũng vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm

Sau khi ăn xong đợt 1, ở đợt 2 sẽ khác hơn một chút. Là sau khi vệ sinh cổ phôi, chúng ta cần xịt nước vôi 0.5% “phớt qua” các phôi nấm. Để như vậy suốt 24h mới bắt đầu đóng nắp cổ phôi lại.

Nếu như bạn xịt vào chiều hôm nay thì chiều mai có thể tiến hành đóng nắp được rồi và cũng đóng nắp 10-15 ngày, cứ như vậy từ đợt 3 trở đi bạn lặp lại quy trình trên.

Thời điểm sốc lạnh kích ra nấm đều

Sau thời gian 10-15 ngày trên, khi tơ nấm đã ăn được đầy miệng phôi rồi thì chúng ta sẽ tới kỹ thuật sốc lạnh để kích thích nấm ra đồng đều.

1. Sốc lạnh là gì?

Nghe có vẻ lạ so với nhiều người mới vô nghề hoặc đến nay vẫn chưa biết đến thuật ngữ này nhưng khá rõ với người trong nghề lâu năm.

Sốc lạnh bạn sẽ tạm hiểu là sốc nhiệt cho nấm để nấm ra đồng đều nhất.

VD: Bạn đang ở ngoài trời nắng buổi trưa, nóng đổ mồ hôi, tự nhiên có ai đó lấy 1 thau nước lạnh tạt vào người bạn, làm cho cơ thể bạn bị sốc nhiệt, từ nóng sang lạnh ngay.

2. Thời điểm sốc lạnh ra nấm hợp lý

Bạn sẽ thực hiện việc sốc lạnh như sau:

  • Trước 1 ngày sốc lạnh, bạn sẽ quây kín trại lại để trại hầm bí và tăng nhiệt độ lên.
  • Tối hôm sau, tầm khoảng 10h đêm, thời điêm lý tưởng vì nước khá lạnh, bạn tiến hành tưới nước toàn bộ bằng hệ thống tưới tự động trên cao.

=> Lúc này nhiệt độ trong trại và nấm bị giảm đột ngột, gây ra hiện trạng sốc nhiệt và kích thích các phôi nấm đồng đều sẵn sàng ra nấm.

3. Hệ thống sốc lạnh

Nghe hệ thống sốc lạnh có vẻ ghê gớm nhưng thật ra chỉ là hệ thống có sẵn ở trại thôi.

Tiết kiệm chi phí nhất là tận dụng hệ thống tưới phun trên cao của trại luôn, người Việt mình chủ yếu tận dụng cách này.

  • Ưu điểm: Tận dụng sẵn hệ thống, không tốn nhiều chi phí.
  • Nhược điểm: Phải tính thời điểm và thời gian tưới thích hợp.

Nếu trại có điều kiện thì có thể dùng máy lạnh (chi phí hơi cao), đa số ở nước ngoài họ dùng cách này.

  • Ưu điểm: Chủ động mọi khung thời gian để sốc lạnh, ngày đêm tùy ý.
  • Nhược điểm: Tốn thêm chi phí máy lạnh, khấu hao cao, tiền điện cao.

4. Lưu ý khi sốc lạnh

Bạn chỉ tưới đủ nước như thường lệ thôi nhé, không tưới nhiều nấm sẽ bị dư nước và úng.

Và có nhiều bạn hỏi: “Tại sao không tưới buổi trưa?” thì mình đáp luôn là: “Vì buổi trưa nóng nên nước thường cũng sẽ bị nóng lên, không thuận lợi“.

Vào mùa nóng từ tháng 2 trở đi, trời nóng cả ngày cũng làm cho nước khá nóng, phải kiểm tra trước và xả hết nước nóng ra tới khi thấy nước lạnh lại mới dùng sốc nhiệt.

5. Có nên sốc lạnh?

Sốc lạnh không cần thiết, thích thì sốc không thì thôi, nhưng nên sốc lạnh. Vì sao?

Nếu trại bạn nhỏ, chỉ trồng chơi khoảng chừng vài ngàn phôi nấm thì không cần sốc lạnh, tuy nhiên với những trại lớn từ vài chục ngàn tới trăm ngàn phôi thì nên sốc lạnh để đảm bảo nấm ra được đồng đều nhất, đảm bảo tối ưu được thời gian thu hoạch.

Vì trong quá trình làm phôi, sẽ có đợt phôi làm trước và đợt phôi làm sau chứ chúng không đồng đều, nên sẽ có phôi già hơn và non hơn. Tất nhiên phôi già hơn sẽ ra nấm trước, phôi non hơn sẽ ra sau.

Với trại nấm lớn như Nấm Xanh, nếu để thu hái hết nấm ở trại mà không sốc lạnh có thể mất tới tận 4-5 ngày, việc sốc lạnh giúp nấm ra đều hơn và chúng mình chỉ mất từ 1-2 ngày để thu hoạch hết, quá tiện đúng không các bạn.

Nhờ đó, mà nhân công bên mình cũng đỡ mệt hơn, cứ dồn lực thu trong 1-2 ngày là được nghĩ ngơi, kéo dài 4-5 ngày sẽ khá mệt dù lắt nhắt từng khu từng khu. Tiện cả thời gian, sức lực và chuẩn bị cho đợt sau nhanh hơn.

Thời điểm mở nắp cổ phôi nấm

Sau khi sốc lạnh, bạn để đến lúc bịch phôi ráo nước thì mở nắpđể yên đó trong 12 tiếng. Sau đó thì sẽ tưới lại khoảng 5 phút/lần, tùy vào thời tiết bên ngoài mà mình điều chỉnh cách tưới để giữ độ ẩm trong trại ổn định.

kỹ thuật trồng nấm bào ngư
Khi bắt đầu nhú ra, chúng sẽ lớn khá nhanh

Sau quá trình đó, 5 ngày sau thì nấm sẽ ra thể quả và phát triển khá nhanh đó nhé!

Khi nấm đã bắt đầu ra thể quả rồi, không nên để gió lùa vô trại, vì gió là nguyên nhân khiến cho các tai nấm bị héo, méo, co quặp lại và thật xấu xí.

Nước tưới nấm tiêu chuẩn

Cách tưới nước cho Nấm Bào Ngư cũng vô cùng quan trọng, nó cũng có thể quyết định đến 90% sản lượng. Vì nếu tưới sai cách cũng vô cùng ảnh hưởng đến phôi nấm bạn nhé.

Bạn có thể dùng hệ tưới tưới phun sương nhưng cần hạn chế vì nước sương nhẹ, rơi không cố định, sẽ rất dễ làm nước lọt vào cổ phôi và gây nên bệnh mốc xanh, úng,…

Bạn cần điều chỉnh hệ thống tưới phun sương ở trên với thiết kế nước tưới như hệ thống chữa cháy, là tưới nước phun lên luôn, hơi mạnh chứ không tưới phun sương nhẹ nhẹ.

Tuy nhiên, cách thiết kế hệ thống tưới nước cũng quan trọng không kém. Cần có kinh nghiệm để hướng dẫn bên thi công họ làm theo cho mình.

Nước tưới cho nấm phải hoàn toàn là nước sạch, không mặn và không phèn. Nếu nước có phèn hoặc mặn ở khu vực của bạn thì nhất định phải có hệ thống lọc nước.

Nước tưới cần đạt độ pH trung tính, phải ở từ 6.8pH – 7pH là hợp lý để tưới nấm, mình có thể uống được thì nấm mới uống được.

Tuy nhiên, cách tưới ở đây Nấm Xanh chia sẻ có thể phù hợp với điều kiện và phôi của mình, đôi khi chính bản thân bạn cũng phải thử nghiệm thêm với nhiều cách tưới khác nhau để có thể rút được kinh nghiệm tốt hơn.

Quá trình xử lý phôi nấm mốc xanh

Trong quá trình nuôi trồng Nấm Bào Ngư hay nhiều loại nấm khác, khó có thể nào đảm bảo được 100% phôi toàn vẹn tới ngày ra thể quả nấm. Sẽ có ít nhất 1% bị tình trạng mốc xanh trong cục phôi, chúng ta sẽ xử lý chúng ra sao đây.

1. Cách xử lý phôi nấm mốc xanh

Có 2 cách đơn giản cho bạn như sau:

Nếu bạn sở hữu trại nấm nhỏ vài ngàn phôi, có thể chủ động rút các cục phôi mốc xanh ra, cách ly loại bỏ hẳn khỏi dàn phôi khỏe, tránh lây lan. Để đảm bảo cần kiểm tra mỗi ngày để biết mà xử lý ngay.

Nếu bạn sở hữu trại nấm to từ chục ngàn tới trăm ngàn phôi, có nhân lực thì có thể chủ động rút phôi ra bỏ, thường chúng hay nằm ở dưới, rút ra khá tốn thời gian.

Cho nên, nếu không đủ thời gian, nhân lực thì bạn có thể đậy nắp cổ phôi lại là xong, đơn giản. Khi đóng nắp, khuẩn mốc xanh, phấn mốc sẽ không thể bay ra ngoài theo đường không khí mà bám vào các phôi khác. Nhưng nếu bịch phôi mốc bị thủng hay rách thì nên rút ra bỏ ngay.

2. Nguyên nhân xảy ra mốc xanh ở phôi

Nguyên nhân thì nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan…

  • Phôi kém chất lượng, quá trình khử trùng không đảm bảo, nguyên liệu kém.
  • Quá trình tưới phôi để nước lọt vào trong cổ phôi và vào bên trong.
  • Quá trình chăm sóc không đảm bảo.

Quá trình thu hái nấm (thành quả)

Xong kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư rồi thì tới kỹ thuật thu hái Nấm Bào Ngư và bảo quản Nấm Bào Ngư đúng cách. Sau một thời gian dài nuôi trồng kỹ lưỡng rồi mà lơ ngơ khâu này có thể khiến bạn mất tiền, mất uy tín với đối tác và khách hàng lắm đấy.

Như ở trên mình có nói, là nếu sốc lạnh sẽ tiết kiệm thời gian thu hái hơn rất nhiều, chỉ mất từ 1-2 ngày so với trại lớn bên mình tổng đến hơn 180 thiên.

1. Thu hái nấm bằng gì?

quy trình nuôi trồng nấm bào ngư và thu hoạch
Thu hái cũng cần có chọn lọc để đảm bảo về mặt sản lượng tốt nhất

Bạn có thể dùng găng tay y tế, hoặc tay không (rửa tay sạch sẽ trước) khi thu hoạch và dùng rổ loại to kéo đẩy chi tiện hoặc rổ nhỏ đeo cổ để đựng nấm.

2. Thu hái loại nấm nào?

Bạn chỉ thu ở các phôi nào mà nấm to đều cả chùm hoặc 80% chùm đã to thì bạn mới hái, nếu thấy non nhiều thì chưa nên hái, để vài tiếng nữa kiểm tra lại và thu khi đã đủ chín mùi. Và bạn nên thu hái các chùm nấm mà tai nấm đã đạt kích thước tầm 5-6 cm, lúc này nấm vừa tròn trịa, thịt chắc và ngon ngọt nhất.

Vì ta sẽ không thu luôn một lần mà dàn trải trong ngày 3-4 lần để các cục phôi có nấm chưa đủ lớn, ta sẽ thu lại sau. Thu non quá thì lãng phí và cũng không dùng để làm gì, nếu bạn có nơi thu nấm non thì hái cũng được, giá nấm non cũng khá cao đó.

Còn không thì không quá gấp gáp vì trước sau gì bạn cũng sẽ thu hết, chúng sẽ nhanh lớn trong ngày thôi.

3. Tại sao lại không thu đều?

Vì cũng có cục phôi này khỏe hơn cục phôi kia, nên dù ra đều cùng lúc nhưng phôi khỏe sẽ lớn nhanh, phôi kém hơn chút sẽ lớn hơi chậm một chút là bình thường thôi, như người mình có người cao người thấp dù cùng tuổi, dễ hiểu đúng hem.

Bên cạnh đó vì phôi nấm ở xưởng được làm ra có nhiều đợt, nếu bạn nhập phôi về, trong mớ đó sẽ có nhóm làm trước, nhóm làm sau.

4. Vệ sinh gốc nấm sót lại sau khi thu hoạch xong

kỹ thuật trồng nấm bào ngư
Vệ sinh gốc nấm còn sót lại để đảm bảo chất lượng đợt kế tiếp

Sau khi thu hoạch, bạn sẽ lại bắt đầu quá trình vệ sinh cổ phôi, dùng một cái muỗng chế chuyên dụng, kích thước muỗng đủ vừa đút vào cổ phôi (loại 32 hoặc 34) để cạo sạch lớp rễ trước bên trên cho nấm đợt sau ra.

Rồi bắt đầu quá trình xịt nước vôi 0.5%, cách 24h sau đó bắt đầu đóng nắp và đợi từ 10-12 ngày nữa khi tơ đã ăn đầy miệng rồi lại sốc lạnh và lặp lại các bước bên trên nhé! Thông thường làm đúng quy trình cứ 15 ngày sẽ ra một đợt nấm.

Xử lý phôi rách bịch khi trồng Nấm Bào Ngư

Trong quá trình vận chuyển nhiều phôi có thể sẽ không tránh khỏi phần nào một lượng phôi nhỏ bị thủng hoặc rách ở bịch phôi. Nếu bị rách, thì chỗ đó sẽ ra nấm, được gọi là nấm đít, tuy chúng phát triển bình thường nhưng sẽ làm ảnh hưởng sản lượng.

kỹ thuật trồng nấm bào ngư

Bạn cần khắc phục bằng việc sử dụng “băng keo xốp 2 mặt” để dán chỗ rách lại là tốt nhất, vì nó dày và bám cực chặt. Không nên dùng băng keo trong vì khá mỏng, dễ bung, khi phôi ướt hoặc ra mồ hôi là bung ngay.

Sử dụng loại băng keo mà Nấm Xanh gợi ý sẽ không lo lắng nữa. Nếu bạn không xử lý sẽ rất ảnh hưởng sản lượng về sau.

Phôi Nấm Bào Ngư ăn được bao nhiêu đợt

Tùy loại phôi nấm ở mỗi nơi làm và chất lượng cũng như kỹ thuật đến đâu thì phôi nấm sẽ khỏe và ăn được tới bấy nhiêu đợt.

Nếu là phôi Nấm Bào Ngư của Nấm Xanh và làm đúng quy trình, kỹ thuật đầy đủ thì có thể ăn được tối thiểu 8 đợt, trung bình 10 đợt và có khi cao nhất lên được 12-13 đợt. Nhưng thật ra chủ yếu 8-10 đợt, còn sau đó là phôi tự ra dù không chăm sóc.

Thông thường thì những đợt nấm ở giữa (từ đợt 4 và đợt 5 trở đi) lại đều và đẹp hơn những đợt đầu, điều này cũng hoàn toàn bình thường. Mỗi chùm Nấm Bào Ngư thu hoạch được trên 1 phôi có trọng lượng từ 25-30 gram.

Quá trình xử lý Nấm Bào Ngư

Bên trên là hoàn tất quá trình kỹ thuật nuôi trồng rồi, phần này sẽ là kỹ thuật bảo quản Nấm Bào Ngư để lưu kho và vận chuyển giao nấm đi xa khỏe mà ăn toàn nhất.

1. Sơ chế cắt gốc Nấm Bào Ngư

Bạn có thể dùng kéo hoặc dao, tiện nhất là nên dùng kéo để cắt bỏ phần gốc (không cắt chân) mà còn dính đất với các nguyên vật liệu trồng, để chân nấm được sạch sẽ.

2. Đóng gói và bảo quản Nấm Bào Ngư

cách đóng gói sản phẩm nấm bào ngư tươi

Tùy vào bên bạn đóng gói bằng túi nilong hay gì hoặc dùng sấy khô, nhưng tốt nhất nên đóng gói nấm tươi nhanh và sớm để đưa vào tủ mát bảo quản, tránh để nấm bên ngoài quá lâu. Tốt nhất là dưới 1 tiếng nấm phải có mặt trong tủ mát.

Khi đóng gói, nên xếp các tai nấm nằm chúi hướng xuống và nằm dọc, để tránh quá trình vận chuyển xe, có va đập nhẹ thôi cũng sẽ bị rách tai nấm nếu tai nấm nằm ngang. Bạn sắp xếp đúng như trên sẽ không lo vận chuyển đi xa, khi đến nơi trong các bịch nấm tai nấm bên trong vẫn đẹp nguyên vẹn.

Bảo quản Nấm Bào Ngư tươi tốt nhất là tủ mát từ 3-8 độ, trung bình là 5 độ. Nếu sản lượng nhiều thì nên có kho lạnh.

Bên mình có gợi ý là bạn nên dùng thùng xốp (thùng trong video) để bỏ các bịch Nấm Bào Ngư vào, đóng nắp và cho vô kho lạnh, tốt hơn để không bên ngoài. Cách này sẽ giúp nấm đẹp hơn, khô ráo hơn rất nhiều. Thùng xốp chừng 40x40x80cm (CxDxR) có thể để được khoảng 12kg nấm.

3. Vận chuyển Nấm Bào Ngư đi xa đúng cách

Trước khi vận chuyển Nấm Bào Ngư tươi đi giao, cần đảm bảo nấm ở trong tủ mát hoặc kho lạnh tối thiểu 5-6 tiếng là tốt nhất ở 3-8 độ C (trung bình 5 độ C).

Nếu làm như vậy, nấm sẽ không bị chảy nước vàng hay đọng nhiều hơi, vận chuyển xa vẫn còn tươi. Đấy là trong bán kính khu vực nội thành hay lân cận.

Với những bên phải vận chuyển nấm tươi giao ra các khu vực xa như miền Nam ra miền Trung, miền Trung ra miền Bắc xe phải đi nhiều tiếng liền thì bạn có 2 lựa chọn:

  • Xe lạnh: Không có gì phải bàn rồi, quá đơn giản khi vận chuyển
  • Xe nóng, xe thường: Đáng lo ngại

Nấm Xanh chia sẻ một mẹo, bạn sẽ dùng một túi 10kg bình thường vẫn đóng 10kg để giao, tuy nhiên sẽ chuẩn bị thêm:

  • Lá chuối: Loại hơi to xíu có thể gói gọn cục đá
  • Đá cục: Loại to cỡ túi nấm 1kg hoặc hơn xíu

Đơn giản, bạn cho đá cục vào giữa túi 10kg, bọc lá chuối xung quanh cục đá (giảm thoát hơi, giữ lạnh lâu), rồi sắp 10 bịch nấm 1kg chung quanh, cột chặt lại, có thể trồng thêm 1 bao vô. Đảm bảo vận chuyển từ Nam ra Trung hoặc xa hơn vẫn thoải mái.

Nấm Xanh thường giao hàng ra miền Trung nên cách này vô cùng hữu hiệu, những người trong nghề mấy chục năm áp dụng cách này rất hiệu quả. Dành cho những bạn có trại lớn và cung ứng ra các vùng xa.

Kết luận về kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư

Nếu bạn còn thắc mắc: “Liệu trồng Nấm Bào Ngư có khó hay không?“, thì bài viết này sẽ giúp bạn nhìn nhận ra được vấn đề và câu trả lời rồi đó.

Nấm Bào Ngư sẽ phát triển tốt ở môi trường mát mẻ và sạch sẽ, đảm bảo tránh gió nhưng trại phải luôn thông thoáng, điều này trước khi xây dựng trại bạn phải tính toán và thi công chuẩn.

Nấm cần nhiệt độ khá thấp nên độ ẩm trong môi trường cũng phải đạt 80 – 95%, vì độ ẩm mà trên 95 thì Nấm Bào Ngư sẽ dễ bị mốc hoặc thậm chí nhũn nấm,…

Hi vọng với kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư từ Nấm Xanh có thể khá dài nhưng phần nào chia sẻ thêm kinh nghiệm và kỹ thuật đầy đủ nhất để tạo động lực, cũng như bổ sung kiến thức để giúp các bạn giảm thiểu rủi ro và mất tiền trong trồng Nấm Bào Ngư.

Đa số các thương vụ nuôi trồng Nấm Bào Ngư nói riêng và nuôi trồng các loại nấm khác, người ta phải mất mấy vụ mới học hỏi rút được kinh nghiệm như Nấm Xanh vài năm trước, nên đây là kinh nghiệm quý giá dành cho bạn đỡ phải mất nhiều hơn.

Đôi khi bạn không cần quá máy móc, vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên bạn có thể thử nghiệm một cách nào đó để rút thêm kinh nghiệm, bài học và nâng cao kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư của riêng bạn nếu đảm bảo bạn đủ lực để kiểm nghiệm.

Chúc bạn sẽ thành công với nghề nấm, Nấm Xanh sẽ hỗ trợ thu mua lại sản lượng Nấm Bào Ngư nếu bạn nuôi trồng tốt và nấm đạt chuẩn. Hiện Nấm Xanh đang hỗ trợ thu mua thêm cho khá nhiều bên với lực cung mạnh đáp ứng cho lực cầu lớn ngoài kia.

Xem thêm: Chia sẻ kỹ thuật trồng Nấm Linh Chi đỏ và quy trình thu hoạch

Hiện Nấm Xanh cũng đang tự làm một loại phôi hữu cơ chất lượng để cho ra nấm non siêu dinh dưỡng cực ngon ngọt và thú vị. Hi vọng với nghiên cứu này nếu nhân bản thành công, làm lớn được thì Nấm Xanh sẽ chia sẻ tiếp cho các bạn.

Nếu bạn có vấn đề thắc mắc cần liên hệ, có thể comment xuống dưới bài viết này hoặc qua các kênh mạng xã hội:

4.5/5 - (13 bình chọn)
Theo dõi
Thông báo về
guest
Nguyễn Văn A

25 Bình luận
Phản hồi tròng dòng
Xem tất cả bình luận
Cao Thái
Cao Thái
Độc giả

Rất đầy đủ và chi tiết, chia sẻ có tâm, cảm ơn

CARLY
CARLY
Độc giả

Cám ơn các bạn rất nhiều! Các bạn kinh doanh tốt & chia sẻ rất có tâm ^^

phạm minh trường
phạm minh trường
Độc giả

trường đang chuẩn bị bước vào lĩnh vực trồng nấm vì đam mê thích nấm .trường nhờ nấm xanh tư vấn giúp trường xin cảm ơn nhiều .hiện gời trường đang ở thủ dầu một bình dương sdt 0937458905

1 2 3 5