Làm sao để chọn phôi nấm chất lượng luôn là nỗi bận tâm của nhiều người mới nuôi trồng nấm. Phôi nấm là môi trường sống và nguồn dinh dưỡng để meo nấm sinh trưởng khỏe mạnh cho ra nấm tốt, nếu không sẽ gây nên những tổn thất nặng nề…
Ý nghĩa thực tế về việc chọn phôi nấm
Thật tế thì trồng nấm cũng là một ngành trong nông nghiệp như trồng cây. Trồng cây thì cần hạt giống, dinh dưỡng, nước, đất. Trồng nấm thì cần meo nấm (meo giống), nguồn dinh dưỡng và nước tưới. Chỉ là chúng được nuôi trồng và chăm sóc theo cách khác nhau.
Đối với những người mới bắt đầu trồng nấm, thách thức lớn nhất chính là việc tìm hiểu và chọn nơi làm phôi nấm chất lượng để nhập phôi tốt về nông trại của mình rồi bắt đầu quá trình.
Nhưng thật sự, bạn sẽ không thể nào biết nào được chất lượng của nguồn phôi nấm ấy có đảm bảo hay không cho đến khi nhập về và nuôi trồng.
Bên cạnh đó, đối với người mới sẽ rất khó để kiểm soát được quy trình và chất lượng của nơi làm phôi nấm, nên sẽ không thể định vị được mức độ an toàn của phôi nấm hoặc rủi ro xảy ra chiếm bao nhiêu phần trăm, khó hơn trồng cây rất nhiều.
Hôm nay, Nấm Khỏe sẽ chia sẻ một chút về tầm quan trọng của phôi nấm và meo nấm. Bên cạnh đó, việc làm phôi nấm cần những yếu tố gì để kiểm soát được chất lượng cũng như rủi ro khi đưa phôi ra lò để vào quá trình nuôi trồng nấm?
Tìm hiểu về meo nấm
Meo nấm là phần hạt giống (bào tử) của nấm, được sinh sản từ cây nấm trưởng thành. Các loại nấm khi trưởng thành đều phát tán bào tử vào không khí. Nhưng, không đơn giản như cây là hạt giống chỉ cần gieo xuống đất và tưới tiêu là cây sẽ tự cắm rễ, ra quả,…
Với hạt giống của nấm trong nuôi trồng nông nghiệp, trước tiên chúng sẽ trải qua một quá trình gọi là nuôi meo giống trước.
Sau một khoảng thời gian, chúng sẽ được trích cấy vào các loại thóc, lúa mì, khoai mì… để làm điều kiện bổ trợ, để chúng có quá trình đầu tiên phát triển trong vật thể đó.
Sau cùng mới lấy thóc, lúa mì hoặc khoai mì đó để cấy vào bên trong lõi phôi nấm cho chúng bắt đầu quá trình sinh trưởng.
Mỗi một lò ủ phôi sẽ làm theo một kiểu và công thức khác hoặc giống nhau, tuy nhiên đa phần là giống, nhưng cũng tùy tâm và độ am hiểu, cũng như kinh nghiệm làm meo nấm chuẩn của chủ lò thì sẽ cho meo nấm cực kỳ tốt.
Kỹ thuật làm meo giống này khá tốn kém và khó với những người không chuyên, nên mình sẽ tạm không đi sâu vô phần này. Nếu bạn muốn tự làm meo nấm thì nên hỏi han và tìm hiểu trực tiếp qua những người trong nghề đó sẽ tốt hơn nhé!
Tìm hiểu về phôi nấm
Để dễ hiểu, bạn hãy hình dung phôi nấm là môi trường sống cho meo nấm phát triển, trong đó sẽ có các chất dinh dưỡng và điều kiện thuận lợi để meo nấm chạy tơ (giống như cây phát triển trước bộ rễ) khỏe trước khi hình thành nấm ra ngoài.
1. Nguyên liệu để làm phôi nấm
Nguyên liệu để làm phôi nấm hiện nay khá là đa dạng, tùy theo khu vực, vùng miền mà xưởng phôi nơi đó có thể tận dụng các nguyên liệu khác nhau tiện lợi và sẵn có, có thể như là: “rơm khô, gỗ mùn cưa cao su, xác bắp, bã mía,…“.
2. Cách làm phôi nấm
Từ nguồn nguyên liệu ở trên, ta sẽ phải xử lý qua một vài quá trình để làm sạch nguyên liệu, vì trước tiên chúng còn là nguyên liệu thô (chưa qua xử lý) nên sẽ khá là bẩn, nhiều vi khuẩn, ẩm mốc gây ra bởi môi trường chung quanh tác động.
Việc xử lý nguyên liệu sẽ bao gồm:
- Quá trình xử lý nguyên liệu (cơ chất).
- Đảo và điều chỉnh độ ẩm.
- Phối trộn nguyên liệu theo tỉ lệ thích hợp để đóng bịch.
- Đóng nguyên liệu vô bịch khoảng 1.1 – 1.2kg/bịch phôi.
- Hấp khử trùng phôi nấm bằng hơi nước trong vòng ~10 tiếng.
- Cấy meo giống vào phôi nấm.
- Nhét tơ vào cổ phôi và đóng nắp ủ.
Cụ thể hơn thì Nấm Khỏe sẽ nói ngắn gọn như là:
2.1 Xử lý nguyên liệu
Là làm sạch, đây là bước đầu tiên, nguyên liệu sẽ được tạo độ ẩm bằng nước vôi có độ Ph ~13, tuy nhiên nước vôi sẽ được sử dụng tùy theo trọng lượng nguyên liệu đóng ủ.
2.2 Đảo nguyên liệu và điều chỉnh độ ẩm
Sau đó, nguyên liệu sẽ được cho vào trong bao ủ kín để duy trì được nhiệt độ từ 60-80 độ C và ủ suốt từ 6-9 ngày, việc này để tiêu diệt các vi khuẩn bên trong và xác của nguyên liệu nhuyển.
Kỹ thuật ủ và đảo nguyên liệu cũng khá quan trọng đó nhé! Bởi vì trong quá trình ủ cần phải đảo để nguyên liệu được ủ đều, sinh nhiệt tốt và diệt các mầm bệnh tối đa có thể.
2.3 Phối trộn nguyên liệu
Các công đoạn và yếu tố đều quan trọng như nhau, phôi nấm phải được phối trộn kỹ các loại nguyên liệu còn tương đối tốt.
Không đơn giản chỉ là xác mía hay mùn cưa,… mà bên cạnh đó còn cần phải bổ sung nhiều nguyên liệu khác như cám gạo, cám bắp hay các thành phần khác có lợi cho quá trình phát triển của nấm.
Nấm sẽ phát triển nhanh đều hay chậm, chất lượng ổn hay không, hiệu quả cao hay thấp đều phụ thuộc lớn vào việc bổ sung nguyên liệu này, bổ sung với tỉ lệ bao nhiêu,… mục đích cuối cùng là để tạo ra được nguồn dinh dưỡng tối ưu trong môi trường phôi nấm.
2.4 Đóng nguyên liệu vô bịch phôi
Nguyên liệu trước tiên sẽ được đóng vào túi nilong có kích thước thông dụng thường là 19x35cm (rộng x dài). Có nhiều loại túi khác nhau, nhưng phải qua quá trình thanh trùng tuyệt đối trước khi đóng nguyên liệu vô.
Việc đóng bịch thường được làm bằng tay thủ công để đảm bảo được độ chắc của bịch phôi, nguyên liệu được nén tốt nhất. Một số nơi sử dụng máy đóng bịch phôi nhưng những loại máy chưa tân tiến đóng bịch phôi rất hở sẽ không tốt.
2.5 Hấp thanh trùng
Đây là giai đoạn cuối cùng khá quan trọng, quá trình hấp thanh trung hiện nay được nhiều nơi áp dụng bằng rất nhiều cách khác nhau và mỗi cách đều có điểm lợi và điểm hại riêng, bởi nó dựa vào chi phí đầu tư của người làm phôi.
Có nơi sẽ hấp thủ công bằng lò tự chế, có nơi dùng đến máy móc hiện đại tân tiến với các thiết bị đầy đủ như các lò phôi lớn nhất nhì làm phôi với sản lượng cực lớn.
Quá trình khử trùng phổ biến nhất thường dùng chủ yếu là hấp hơi, dùng nhiệt ẩm trong điều kiện có hoặc không có áp suất.
Không chỉ thế, các quá trình hấp thanh trùng cần đạt đủ thời gian khoảng 10-12 tiếng và đúng nhiệt độ cần thiết khoảng 100-120 độ để loại bỏ nấm mốc và sâu bệnh,… vậy thì phôi sẽ rất tốt.
2.6 Cấy meo nấm vào phôi
Khi hấp xong, phôi nấm đạt chuẩn rồi, hoàn thành các giai đoạn thử thách gian nan ở trên thì cuối cùng để phôi nguội và cấy meo giống vào phôi, một nguồn thức ăn đầy dinh dưỡng và môi trường sạch cho meo thì quá trình phát triển bên trong sẽ khỏe mạnh.
Cần lưu ý là không nên cấy truyền quá nhiều lần hay quá mức, meo cấy vào phải thực sự thuần khiết và đạt chuẩn như phía trên. Phòng cấy cũng phải hoàn toàn sạch sẽ, được khử trùng kỹ càng, hoàn toàn kín (không có gió và bụi bẩn).
Cũng giống như meo nấm, kỹ thuật làm phôi giống này cũng khá tốn kém về mặt đầu tư tiền bạc và khó khăn với những người không chuyên, nên mình cũng không đi sâu vô phần này. Bạn nên học trực tiếp từ người làm về lò phôi sẽ tốt hơn nếu muốn tự làm phôi.
Cách chọn phôi nấm chất lượng
Phôi nấm chủ yếu được sử dụng nguyên liệu là gỗ mùn cưa cao su, có trọng lượng từ 1.1-1.2kg/bịch phôi, còn meo giống sẽ được cấy vào bên trong lõi phôi như đã nêu ở trên.
Vậy nhìn vào đó có dễ dàng để biết và chọn phôi nấm chất lượng hem? Tất nhiên là quá khó và không thể rồi.
Người mới vào nghề thật ra chả có cách nào biết được phôi chất lượng hay không cho tới khi mang về. Mang về ủ và chăm sóc mới phát bệnh, lúc đó phải tính toán % hư hại và % thành công đợt đó với % số đợt ăn được ở đợt nuôi trồng đầu tiên.
Bên cạnh đó, quá trình này rất cần sự chịu khó giám sát liên tục, chỉ cần phát hiện phôi nấm bệnh phải lập tức cách ly hoặc loại bỏ ngay lập tức, chỉ chọn phôi nấm nào khỏe giữ lại và tiếp tục theo dõi, đích thân phải kiểm tra liên tục tránh mầm bệnh lây lan.
1. Tự học, nghiên cứu, thử nghiệm về phôi nấm
Để có thể chọn phôi nấm chất lượng để đặt về, trước tiên bạn phải hiểu ít nhiều về quy trình và cách làm phôi nấm.
Chỉ có hiểu mới dễ nhận biết mầm bệnh do đâu mà có, do cách mình chăm hay do từ phôi đã có bệnh mà liên hệ nhà cung cấp phôi.
Cũng chỉ có hiểu cách làm mới có thể chuẩn đoán các loại bệnh xuất hiện ở phôi nấm để mà có cách xử lý mầm bệnh đó, cũng là giảm thiểu rủi ro tối đa. Vì phôi nấm có thể xảy ra đến một số loại bệnh chứ không chỉ một hai loại.
Ngày mới bắt đầu vào nghề, mấy anh em Nấm Xanh đều phải tự bương tự học, cũng đi rất nhiều nơi để mua phôi đem về thử từng đợt nấm, nên cũng có nhiều thất bại lưu lại từ đó.
Để rút được kinh nghiệm, mọi thứ đều nhờ nhờ ghi chép lại, từ đó tính toán tỷ lệ, nguyên nhân, phân tích, mổ xẻ nguyên nhân như trên mới hiểu được thêm nhiều thứ về phôi nấm, về nấm bệnh, về lý do xuất phát mầm bệnh,…
Cũng tháng ngày đó, Nấm Xanh cũng tự nghiên cứu và sản xuất phôi nấm để chủ động kiểm soát, phục vụ tiện lợi cho nông trại, nhờ đó mà am hiểu hơn nữa về phôi, tuy nhiên rất hao tổn kinh phí, bạn không nên thử nếu ít vốn.
Sau này, chúng mình hoàn toàn am hiểu và chủ động, khi chọn phôi nấm lấy từ đối tác nào đó, mình sẽ có thể dễ dàng kiểm tra phôi nấm và nhận biết nguyên do, chất lượng để xử lý hiệu quả với nhà cung cấp, tránh rủi ro nắm hết về mình.
2. Học từ cao nhân trong nghề lâu năm
Không gì nhanh hơn học cao nhân đúng không các bạn, nhưng cũng cần có duyên và thành tâm, bởi ít ai tận tâm chia sẻ thật lòng mọi thứ họ biết cho bạn.
Ngày đó khi chúng mình tự làm mọi thứ thì cũng hiểu được khá nhiều phần cơ bản về phôi nấm rồi, nên sau đó chúng mình cũng bắt đầu kế hoạch đi gặp nhiều người rành nghề trên mấy chục năm tại các nơi gọi là nôi của nghề nấm.
Mục đích của mỗi chuyến đi là để học hỏi thêm kinh nghiệm và kiến thức quý giá từ những cao nhân, cho nên từ đó lại rõ được nhiều thứ hơn nữa, ánh sáng càng làm rõ con đường mình đi hơn.
Cũng rất nhiều người dễ tính và dễ thương chia sẻ rất nhiều, mấy cô chú lớn tuổi mình cứ thật thà là được. Bên cạnh đó, mấy anh em Nấm Xanh cũng chia sẻ rất nhiều trên Youtube để các bạn mới có cơ hội học từ kinh nghiệm chia sẻ của tụi mình.
3. Nhờ mối quan hệ
Nhất quan hệ, nhì tiền tệ… chân lý mãi luôn là đây các bạn ạ.
Khi bạn có được các mối quan hệ tốt trong nghề này, các bạn có thể dễ dàng học hỏi từ học về cách nuôi trồng và nhiều thứ khác nữa, hay thậm chí học tại nông trại của họ để mình tích lũy kiến thức dần.
Tuy nhiên, cái Nấm Khỏe muốn nói đến ở đây đó là nhờ mối quan hệ đó để mình có được phôi nấm tốt, bởi vì sao?
Vì họ trồng nấm lâu năm, rành nghề, quan hệ rộng và nhất là họ biết lò phôi nào làm phôi tốt, chất lượng với tỉ lệ hư hại ít (rủi ro bé) để nhập phôi nấm. Mình có thể nhờ vào đó để xin liên hệ của người quen đó rồi tự liên hệ đặt phôi nấm cho trại mình.
Tuy nhiên, các lò phôi lớn luôn kín đơn hàng và chỉ làm cho đối tác thân quen, đã cọc trước, nên rất khó để bạn tự đặt, họ sẽ từ chối.
Nấm Khỏe chia sẻ mẹo là hãy nhờ người quen đó đặt dùm phôi nấm cho bạn, đi ké với đợt phôi người quen đó nhập sẽ tốt hơn. Tuy nhiên cũng sẽ khó tránh khỏi rủi ro (nhưng cực ít), mùa dịch bệnh, nguyên liệu không đảm bảo.
Nhưng lợi thế khi bạn nhập hàng và làm hàng phôi nấm từ các đơn vị lớn này, bạn phản ánh họ sẽ suy xét, và nếu nhều khách hàng cùng bị họ sẽ có chính sách đền bù tiền hoặc phôi, bạn có thể an tầm hơn tự làm hư là dục sẽ rất tốn kém.
Vậy đó, nhờ tự học hỏi và cả tự thực hành thực tế mà chúng ta sẽ tự tin hơn và giỏi hơn cũng như tìm được nơi làm phôi nấm tốt nhất.
Có nên làm phôi nấm và nuôi trồng cùng lúc?
Không nên làm cùng lúc bạn nhé, sẽ gặp bệnh dịch nguy hiểm cho phôi nấm đấy.
Vì nguyên liệu thô của phôi nấm khi chưa xử lý có mang mầm bệnh và nhiều khuẩn, phải trải qua thanh trùng để xử lý phôi trước mới ra lò được.
Nấm Xanh lúc trước từng thử nghiệm làm phôi cùng nuôi trồng và đã gặp rủi ro y vậy, không hiểu nên mình đã đi học từ các cao nhân. Sau đó mình đã quyết định phải dừng sản xuất phôi để nhờ vào đơn vị khác có chuyên môn làm phôi cung cấp cho mình tốt hơn.
Qua đó, sau khi học các cao nhân mình mới ngộ ra được vấn đề, nên nhờ vậy mình đã dừng kịp lúc và thay đổi tư duy, việc đó đã giúp giảm rủi ro ở nông trại rất nhiều. Không chỉ vậy, mình còn thảnh thơi lo việc nuôi trồng và phát triển kinh doanh tốt hơn.
Nếu bạn làm nhỏ thì nên như vậy, người có chuyên môn nên để họ làm đó, mình có kiến thức mình sẽ kiểm định, chưa có thì phải thư nghiệm.
Bên cạnh đó, nông trại mà nhỏ dưới 500m2 thì không có không gian để tách khu làm phôi và khu nuôi trồng riêng được, mà nếu không tách sẽ gây bệnh cực nặng cho khu nuôi trồng, bạn cần lưu ý rõ điều này.
Hiện Nấm Xanh đang tự làm một loại phôi hữu cơ chất lượng để cho ra nấm non siêu dinh dưỡng cực kỳ thú vị, tuy nhiên vì trại Nấm Xanh mỗi nơi đều 2500m2 nên có diện tích thử nghiệm, trại nhỏ bạn đừng ham sẽ không an toàn.
Kết luận về kinh nghiệm chọn phôi nấm
Để quản trị được rủi ro trong quá trình kiểm soát chất lượng phôi nấm nhập về nông trại, bạn phải am hiểu về cách để hình thành nên một phôi nấm phải trải qua đủ quy trình thế nào, nếu phôi nấm tỷ lệ hư hại cao, nghĩa là nơi bạn nhập phôi làm không kỹ.
Hoặc là tự tham gia vào nghiên cứu bằng cách thử nghiệm làm phôi, tuy nhiên sẽ tiêu tốn chi phí rất lớn, bạn nên cân nhắc về điều này.
Hoặc là bạn nên đi học hỏi từ các cao nhân lành nghề lâu năm trồng nấm để hiểu nhiều về phôi, cách kiểm soát chất lượng và rủi ro của phôi và nhiều kiến thức khác để đảm bảo mức rủi ro thấp nhất, bên cạnh đó là xin chỉ dẫn những nơi nhập phôi chất lượng
Hoặc là bạn có thể xin thông tin từ những người trên, từ google… nhưng tốt nhất từ những người uy tín lành nghề ở trên. Sau đó đến vào các nơi làm phôi nấm để tham quan học hỏi với tư cách đối tác sẽ nhập phôi của họ nên muốn xem qua quý trình cho đảm bảo.
Cuối cùng là Nấm Khỏe có lời khuyên dành cho bạn tốt nhất đây:
“Đó là nếu bạn trồng nấm thì chỉ nên chuyên về nuôi trồng, meo nấm và phôi nấm nên hợp tác với một đơn vị có chuyên môn cao để cung cấp, việc đó sẽ giúp bạn tập trung hơn vào nuôi trồng và giảm rủi ro cũng như chi phí tốt nhất”.
Qua đó, việc tập trung vào nuôi trồng sẽ dễ dàng hơn cho bạn trong hành trình trở thành người chuyên nuôi trồng nấm. Khi bạn thầu hết các khâu, rủi ro sẽ cao, chi phí sẽ lớn, năng suất chưa rõ và mọi thứ sẽ bị chôn vùi, vốn cũng tiêu hao, giam cầm và thất thoát.
Hi vọng quá bài viết này, Nấm Khỏe chia sẻ được ít nhiều kinh nghiệm chọn phôi nấm tốt để giúp người mới vô nghề đỡ mất vào chục tới vài trăm triệu, giúp bạn hiểu được những lưu ý quan trọng nhất để có động lực bắt đầu hiệu quả nhất.
Xem thêm: Kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư đúng cách để đạt sản lượng tốt
Bên cạnh đó, những thông tin này ít nhiều sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro tốt nhất, có những lời khuyên hữu ích nhất để bạn hình dung được rõ ràng hành trình trở thành người nuôi trồng nấm hiệu quả nhất.
Hãy nhớ theo dõi kênh Youtube của Nấm Xanh để theo dõi nhiều video chia sẻ những kinh nghiệm và kỹ thuật trồng Nấm Bào Ngư tại Nấm Xanh từ kỹ sư nuôi trồng lành nghề và đăng ký theo dõi bài viết để nhận các bài viết hữu ích nhé!
Nếu bạn có vấn đề thắc mắc cần liên hệ, có thể comment xuống dưới bài viết này hoặc qua các kênh mạng xã hội:
- Facebook: Nông Trại Nấm Xanh
- Instagram: nongtrainamxanh
- Youtube: Nấm Xanh Farm
bạn ơi,nếu hấp phôi như thế thì có ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng của meo nấm k?do các vi khuẩn có hại chết thì cũng phải dẫn đến một phần nào đó bất lợi cho các vi sinh vật có lợi chứ?